Ngày 24-8, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về công tác dự báo bão, ông Lê Thanh Hải, nói: Hạn chế trong công tác dự báo bão hiện nay nằm ở khía cạnh khoa học, khi khả năng của con người chưa thể nắm bắt được hết những diễn biến ngày càng bất thường, cực đoan của thời tiết.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, khẳng định thiết bị của Trung Quốc không ảnh hưởng đến chất lượng dự báo bão - Ảnh: Văn Duẩn
“Không có dự báo nào là hoàn hảo đúng 100%, chỉ có dự báo gần đúng mà thôi. Không biết đến bao giờ nhân loại mới có thể vươn tới khả năng dự báo hoàn hảo” - ông Hải khẳng định.
Vị Phó Tổng Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia cũng bày tỏ rằng bản chất khoa học là như vậy, chứ không hẳn là do chúng ta thiếu đầu tư, thiếu thiết bị mà dẫn đến dự báo chưa chính xác. “Ngày hôm qua (23-8), có tờ báo đưa tin đặt vấn đề rằng do sử dụng thiết bị của Trung Quốc trong dự báo nên dẫn đến sai số trong dự báo. Tôi khẳng định không phải như vậy” - ông Hải nói.
Theo ông Hải, dự báo khí tượng thủy văn gồm các công đoạn chính như Quan trắc, thu thập số liệu, truyền số liệu về các trung tâm tính toán xử lý và các dự báo viên sẽ chạy các mô hình dự báo. Các thiết bị như vệ tinh, radar, trạm đo tự động, bán tự động đo gió, khí áp, đo mưa đóng vai trò rất quan trọng trong công tác dự báo bão. Nếu chất lượng kém, không chính xác thì không thể có bản tin dự báo chuẩn.
Theo ông Hải, với thiết bị vệ tinh, hiện Việt Nam đang sử dụng thông số từ thiết bị vệ tinh hiện đại nhất của Nhật Bản. Hệ thống radar sử dụng ở các tỉnh ven biển, Việt Nam sử dụng chủ yếu thiết bị của Pháp, Mỹ, và sắp tới đang đầu tư hàng loạt radar của Phần Lan, Nhật Bản.
Theo ông Hải, hiện, hơn 80% thiết bị đo gió, khí áp (các yếu tố chính quyết định độ chính xác dự báo bão) sử dụng ở vùng ven biển hay có bão đều là của Mỹ, Phần Lan, Ý, Nhật Bản, chỉ có khoảng 20% thiết bị mua của một số nước khác, trong đó có Trung Quốc. Tuy nhiên các thiết bị của Trung Quốc đều được phân bố chủ yếu ở các vùng ít chịu ảnh hưởng gió mạnh của bão như Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên.
“Dù là thiết bị của Trung Quốc hay của các nước tiên tiến thì cũng đều được kiểm định, kiểm chuẩn thường xuyên theo định kỳ. Ngoài ra các thiết bị này phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy định chặt chẽ của Tổ chức Khí tượng thế giới mới được đưa vào sử dụng. Việc nói thiết bị Trung Quốc ảnh hưởng đến dự báo bão là không đúng" - ông Hải nói.
Tuy nhiên, về những hạn chế, ông Hải thừa nhận Việt Nam chưa thể đạt tới trình độ dự báo so với các nước tiên tiến trong thế giới, tuy nhiên trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam ở nhóm trung bình khá.
Ngoài ra, năng lực, trình độ của đội ngũ dự báo viên từ Trung ương đến địa phương không đồng đều cũng là một hạn chế, nhất là khả năng chi tiết hóa các bản tin dự báo cho từng địa phương khác nhau để phục vụ công tác ứng phó thiên tai.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, cho rằng sự biến đổi bất thường thời tiết cực đoan dưới tác động của biến đổi khí hậu cũng khiến công tác dự báo gặp nhiều khó khăn.
“Qua thống kê trong rất nhiều năm, chưa từng có cơn bão nào hình thành ở ven biển Trung Quốc lại đi về phía Nam và đổ bộ vào đất liền Việt Nam như cơn bão số 3 vừa qua. Cũng chưa từng có cơn bão nào khi gần cập bờ lại dừng lại gần 12 giờ đồng hồ trước khi vào bờ như cơn bão số 1 vừa qua. Đó là tính cực đoan của thời tiết, nó nằm ngoài khả năng dự báo của cả thế giới chứ không chỉ Việt Nam”-ông Cường nói.
Bình luận (0)