Thuyết trình của WATG nhận được sự ủng hộ cao của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế. Theo đó, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch để trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, đồng thời “vừa làm quy hoạch vừa tiến hành các thủ tục pháp lý để đẩy nhanh tiến độ thực hiện một khu nghỉ dưỡng đẳng cấp”.
Vậy là Bạch Mã lại “nóng” với việc kinh doanh du lịch. Nhiều người hẳn chưa quên dư luận từng “nóng” nỗi lo khi Bạch Mã mở cửa trở lại vào cuối năm 2012 và chính thức đưa vào khai thác du lịch từ dịp 30-4-2013.
Lo cho Bạch Mã chủ yếu là từ những người yêu Huế. Họ có lý khi không muốn phá vỡ những gì thiên nhiên ban tặng cho nơi này. Điều này có lý vì trước khi được công nhận là VQG vào năm 1991, Bạch Mã đã được thế giới quan tâm vì tài nguyên đa dạng sinh học. Thậm chí từ năm 1925, chỉ để bảo vệ loài gà lôi lam mào trắng ở Bạch Mã mà chính quyền sở tại đã đệ trình lên Bộ Thuộc địa Pháp một dự án thành lập VQG. Cũng chính tài nguyên đa dạng sinh học mà năm 1986, khu rừng cấm Bạch Mã - Hải Vân được nhà nước ta thành lập.
Nhưng Bạch Mã khó yên thân trong khi ở phía bên kia của đại ngàn này là đỉnh Bà Nà từ lâu đã là “con gà đẻ trứng vàng” cho TP Đà Nẵng. Bây giờ, cáp treo cũng đã đưa du khách nườm nượp lên tận non ngàn Yên Tử (Quảng Ninh) hay Fansipan trên dãy Hoàng Liên Sơn. Hơn nữa, từ những năm 1932, người Pháp đã xây dựng tại Bạch Mã một khu nghỉ mát có tới 139 biệt thự, chợ, hồ bơi... thì tại sao bây giờ lại không khai thác tiếp để kiếm tiền mà cứ để… ngắm?
Chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Huế hẳn sẽ không ủng hộ ý tưởng của WATG nếu đề án không thu hút được đông đảo du khách. Nhưng sẽ ra sao nếu khu du lịch sinh thái tâm linh ở Bạch Mã cũng thu hút du khách nườp nượp, phải giẫm đạp lên nhau đến ngất xỉu như cái cách người ta đang đến với lễ hội Đền Hùng? Đấy là chưa nói đến những việc nhỏ nhưng không hề nhỏ, tỉ như việc diện tích quy hoạch cho Bạch Mã để phát triển du lịch chỉ được tối đa 300 ha nhưng đề xuất của WATG thì đã vượt con số này một cách đáng kể, dù đấy chỉ mới là ý tưởng (!?). Cho nên, trở thành điểm du lịch “hái ra tiền” rồi thì Bạch Mã liệu có còn là Bạch Mã?
Người Huế hẳn khó quên bài học của 10 năm trước, khi lãnh đạo tỉnh này nôn nóng triển khai dự án khu du lịch ở một nơi rất nhạy cảm là đồi Vọng Cảnh (TP Huế). Dự án do Công ty Du lịch Hương Giang và đối tác Vietnam Hotel Project B.V (Hà Lan) liên doanh làm chủ đầu tư này đã bị ngừng trệ ngay sau khi động thổ rồi phải điều chỉnh bởi sự phản đối quyết liệt của công luận. Bài học đó xin đừng lặp lại ở non thiêng Bạch Mã.
Bình luận (0)