Ý tưởng này do ông Mai Trọng Tuấn (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) đề xuất với Thành ủy, UBND TP HCM. Một đơn vị thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP dự kiến hôm nay (5-4) sẽ có buổi làm việc với các bên liên quan nhằm bàn bạc và đánh giá cụ thể về đề xuất này.
Có thể làm hơn 30 giàn đậu xe
Theo ông Mai Trọng Tuấn, ý tưởng trên đã được ông đề xuất với TP từ khoảng năm 2008 nhưng khó khăn lớn nhất khi đó là tìm địa điểm phù hợp để triển khai. Cụ thể, nơi có đất xây dựng nhưng nhu cầu gửi xe không có, còn nơi có nhu cầu thì lại là “đất vàng” và đều đã có chủ. Ông Tuấn cho rằng thời điểm này, TP đang tập trung nghiên cứu các dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm nên chưa thực sự quan tâm đến ý tưởng thiết lập các giàn đậu xe nổi. Tuy nhiên, nhiều dự án xây bãi đậu xe ngầm cho đến nay vẫn chưa được thực hiện và TP mới tính đến việc làm một giàn đậu xe ở Công trường Lam Sơn (quận 1). Dù vậy, địa điểm này sẽ như “cục nam châm hút mạt sắt”, chắc chắn không đủ chỗ và chỉ đáp ứng được một phần nhỏ lượng xe đăng ký mới năm 2017 ở riêng khu vực quận 1. Và nếu triển khai xong dự án này thì TP cũng sẽ khó tìm được những vị trí khác phù hợp để xây dựng các công trình tiếp theo.
Theo ông Tuấn, địa điểm để xây dựng các giàn đậu xe nổi cần đạt được nhiều tiêu chí, trong đó phải bảo đảm hình thành một hệ thống gồm nhiều giàn đậu xe liên hoàn, phân bổ ở những khu vực gần trung tâm - nơi có nhu cầu gửi xe cao. Đồng thời, địa điểm xây dựng phải phù hợp ở những nơi có sẵn kết cấu hạ tầng giao thông; tiện lợi cho người gửi xe rồi đi bộ hoặc xe điện do quãng đường ngắn; nhà đầu tư có lãi và hoàn vốn nhanh, trước mắt không tốn chi phí đền bù, giải tỏa mặt bằng...
Trước những tiêu chí này, ông Tuấn nhận định địa điểm phù hợp là nên tận dụng không gian trên bề mặt 2 dòng kênh hiện hữu ở khu vực trung tâm gồm Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hủ để xây dựng các giàn đậu xe. Phương án là cho lắp những giàn đậu xe thông minh bắc qua 2 dòng kênh, hình thức như những cây cầu. Giàn đậu xe xây dựng từ 5-6 tầng với chiều cao tối đa 18 m và đặt 2 bên dòng kênh, ở giữa là lối đi cho các phương tiện ra, vào cũng như quay đầu. “Mỗi giàn đậu xe cách nhau 500 m và các trục đỡ của giàn đậu xe thẳng trục với trụ đỡ của những cây cầu hiện hữu nên sẽ không ảnh hưởng đến dòng chảy dưới kênh” - ông Tuấn đề xuất.
Theo ông Tuấn, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hủ có thể làm được hơn 30 giàn đậu xe, mỗi giàn đậu 2 hàng, chứa được 400 xe nên có thể đạt ít nhất 12.000 xe. Một số vị trí nếu nâng thêm tầng, sức chứa có thể lên tới 15.000 đến 20.000 xe. Mức độ khả quan mà ông Tuấn đưa ra khi xây dựng các giàn đậu xe này là không chiếm “đất vàng” ở khu trung tâm, đồng thời góp phần làm 2 bờ kênh sạch, đẹp và có thể làm một số nhà vệ sinh công cộng có thu phí để phục vụ công ích... Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho rằng việc xây dựng các giàn đậu xe nổi có thể thi công đồng loạt, nhanh chóng. Khi đưa vào sử dụng, TP có thể cho thuê chỗ đậu theo giờ, bán chỗ đậu dài hạn hoặc tổ chức đấu thầu sau khi hoàn thiện để các đơn vị quản lý và thu hồi vốn. Khi TP không cần sử dụng đến những giàn đậu xe trên kênh cũng có thể di dời đến các nơi khác, không bị lãng phí.
Nên chọn địa điểm thích hợp
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, trong đề xuất của ông Mai Trọng Tuấn có nhiều ý tưởng khá hay và TP nên tham khảo. Tuy nhiên, vị trí xây dựng nằm trên 2 dòng kênh là không phù hợp do sẽ phá hỏng cảnh quan, làm ảnh hưởng đến không gian sống của người dân cũng như môi trường xung quanh. “Địa điểm xây dựng các bãi đậu xe nổi sẽ phù hợp hơn khi triển khai ở những dự án chưa xây dựng và khu trung tâm TP hiện cũng có nhiều vị trí như vậy” - ông Sơn nói.
Ông Sơn cho rằng ở những dự án này có thể xây dựng các nhà đậu xe tạm, vừa giải quyết được nhu cầu trước mắt và chủ đầu tư còn có thêm lợi ích từ việc kinh doanh bãi đậu trong thời gian chưa thi công. Song song đó, TP nên xây dựng cơ chế phù hợp khi quy hoạch bãi đậu xe, cụ thể là mức thu phí giữ xe tương đương với các vị trí xây bến bãi, không thể áp giá đồng đều giữa khu trung tâm và khu ngoại thành. Mặt khác, TP nên kìm hãm việc cấp phép hoặc gia hạn giấy phép đối với các đơn vị kinh doanh thương mại hoặc buộc những cơ sở này chứng minh được chỗ đậu xe cho khách hàng khi đăng ký kinh doanh. “Chúng ta nên tạo áp lực để các cơ sở kinh doanh đưa chi phí bãi xe vào chi phí kinh doanh của họ. Trong khi TP đang tập trung phát triển văn hóa, cải thiện cảnh quan môi trường thì việc xây các bãi đậu xe trên các dòng kênh hoặc công viên là không hợp lý” - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn thẳng thắn.
Trong khi đó, TS Nguyễn Hữu Nguyên, chuyên gia kinh tế đô thị thuộc Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng đề xuất xây bãi đậu xe trên kênh của ông Mai Trọng Tuấn có thể nghiên cứu khả thi. Theo TS Nguyên, việc xây dựng các giàn đậu xe này khi được bố trí hợp lý, không những không phá vỡ cảnh quan mà còn giúp tô điểm cho 2 dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hủ. Lý do là theo thiết kế, các giàn đậu xe nổi được xây dựng như những cây cầu, chiều cao nhất định và có thể trang trí bởi nhiều màu sắc, biểu tượng khác nhau, giúp dòng kênh đỡ đơn điệu hơn. Cảnh quan môi trường được tô điểm thêm nên từ đó, TP cũng có thể phát triển các loại hình du lịch trên kênh.
Còn đối với một số ý kiến cho rằng việc xây bãi xe trên kênh làm ô nhiễm môi trường, TS Nguyên đánh giá với trình độ kỹ thuật như hiện nay, các vấn đề về khói bụi, xăng dầu... từ bãi đậu xe hoàn toàn có thể kiểm soát, không làm ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, khi xây dựng các giàn đậu xe này, TP nên cân nhắc chọn các địa điểm thích hợp, trong đó tính đến nhu cầu gửi xe cũng như quy mô của từng bãi thì mới có thể phát huy hiệu quả.
Đã khảo sát 9 dự án bãi đậu xe
Tại TP HCM có 9 dự án bãi đậu xe thông minh đã được khảo sát tại 9 bệnh viện, trong đó 3 dự án đang được triển khai các bước tiếp theo.
Hiện cũng có một số đề xuất xây dựng các bãi đậu xe cao tầng lắp ghép tại Công viên 23 Tháng 9, Công trường Lam Sơn (quận 1); Công viên Gia Định (quận Gò Vấp) và khu vực trước chung cư Lý Thường Kiệt (quận 10).
Bình luận (0)