Báo Người Lao Động ngày 20-11-2014 đăng bài “Nợ từ trên trời rơi xuống”, phản ánh việc nhiều người dân ở khu tái định cư Long Bửu giai đoạn 2 (quận 9, TP HCM) bất ngờ bị chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 9 (gọi tắt là Công ty Công ích) đòi những khoản tiền không có trong hợp đồng. Sau đó, nhiều người dân cùng cảnh ngộ đã tiếp tục phản ánh về việc chủ đầu tư liên tục tìm cách gán nợ vào tay họ.
Ép dân đóng tiền chênh lệch
Đây là những người dân bị ảnh hưởng bởi giải phóng mặt bằng của dự án khu tái định cư Long Bửu giai đoạn 2 và được bố trí nền đất tái định cư tại khu tái định cư Long Bửu giai đoạn 1. Hợp đồng đã ký kết giữa chủ đầu tư và người dân thể hiện đất ngoài hạn mức đóng 1,2 triệu đồng/m2 theo quyết định giá bán nền tái định cư đã được UBND TP phê duyệt. Người dân đã đóng 90%-95% theo hợp đồng và chờ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) thì chủ đầu tư đơn phương thông báo nâng giá đất ngoài hạn mức lên 5,6 triệu đồng/m2.
Lạ kỳ hơn, những trường hợp đã cấp sổ đỏ, thanh lý hợp đồng xong cũng bị đòi nợ. Đơn cử, hộ bà Nguyễn Thị Út được tái định cư 2 nền đất tại 2 khu tái định cư Long Bửu 1 và 2. Bà đã đóng đầy đủ tiền cả 2 nền theo hợp đồng và chờ sổ đỏ để cất nhà.
Một năm sau, tháng 9-2014, bà Út đến Công ty Công ích để thanh lý hợp đồng và nhận sổ đỏ nền thứ nhất thì đại diện công ty bắt phải ký một bản phụ lục hợp đồng của hợp đồng nền đất thứ hai. Tuy nhiên, nội dung phụ lục hợp đồng cộng diện tích cả 2 nền đất là 240 m2, vượt hạn mức đất ở 40 m2 nên bà Út phải đóng phần diện tích này với giá 5,6 triệu đồng/m2.
“Tôi thắc mắc là hợp đồng nền nào thì tính nền đó chứ sao hợp đồng của nền đất thứ hai mà lại tính diện tích nền thứ nhất? Với lại, hợp đồng thứ nhất đã thanh lý rồi thì còn dính dáng gì nữa? Nhưng họ không giải thích, nói tôi phải ký bản phụ lục này rồi mới cho nhận sổ đỏ của nền đất thứ nhất. Bị ép quá nên tôi cũng ký nhưng sau đó nói mắt mũi kèm nhèm không biết trong đó viết gì rồi xin họ đưa về cho con cháu coi. Vậy là họ chỉ đưa tôi sổ đỏ, bảo khi nào nộp lại phụ lục hợp đồng mới trả hóa đơn thuế, trước bạ...” - bà Út kể.
“Mua đất quận 9, tính giá quận 1”
Bà Nguyễn Thị Nga, Trưởng Phòng Đầu tư dự án Công ty Công ích, cho rằng những hộ dân này dù được bố trí nền đất ở khu tái định cư Long Bửu giai đoạn 1 nhưng bị ảnh hưởng bởi dự án khu tái định cư Long Bửu giai đoạn 2 nên phải tính giá đất nền theo giai đoạn 2.
Chúng tôi đặt vấn đề tại sao khi ký hợp đồng không giải thích cho người dân biết và ghi giá của giai đoạn 2 vào hợp đồng mà lại ghi giá của giai đoạn 1? Bà Nga nói do lúc đó chưa tính được giá của giai đoạn 2. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, trên thực tế, giá giai đoạn 2 đã được UBND TP phê duyệt vào tháng 6-2013 nhưng đến cuối năm 2013, Công ty Công ích vẫn ký với một số hộ dân như bà Út với giá của giai đoạn 1.
Còn nếu nói người dân phải đóng tiền theo giai đoạn 2 thì phải điều chỉnh cả hợp đồng theo giá giai đoạn 2 nhưng ở đây, Công ty Công ích chỉ áp giá giai đoạn 2 với đất vượt hạn mức, còn đất trong hạn mức vẫn theo giai đoạn 1. Một nền đất mà áp theo 2 bảng giá khác nhau là điều cực kỳ vô lý! Về vấn đề này, bà Nga trần tình: “Công ty chỉ làm theo chỉ đạo của UBND quận chứ không được quyền có ý kiến”.
Ông Nguyễn Văn Cương, một hộ dân bị đóng tiền chênh lệch, cho rằng nền đất thuộc dự án nào phải áp giá dự án ấy. “Điều này chẳng khác nào ép chúng tôi mua đất quận 9 mà tính giá quận 1. Tôi chưa thấy công ty nào lại mua bán kỳ cục như vậy! Vả lại, Công ty Công ích là đơn vị nhà nước nhưng cách làm thì lại khác những quy định của nhà nước như: theo quy định, hợp đồng đã ký kết, muốn sửa đổi phải có thỏa thuận và được sự đồng ý cả hai bên. Thế nhưng, công ty tự động nâng giá, ép buộc người dân phải tuân theo” - ông Cương bức xúc.
Không xin được thì ra tòa
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND quận 9, giá 5,6 triệu đồng/m2 cho đất vượt hạn mức vẫn chỉ là tạm tính, quận đang yêu cầu Công ty Công ích kiểm toán toàn bộ chi phí đầu tư để xác định giá chính thức. Điều đó có nghĩa là nếu giá chính thức cao hơn 5,6 triệu đồng/m2 thì “cục nợ” của người dân có thể còn lớn hơn hiện tại.
Dẫu vậy, ông Thành cho biết quận chỉ làm theo chỉ đạo của UBND TP. Cụ thể, tháng 6-2013, UBND TP đã phê duyệt giá của khu tái định cư Long Bửu giai đoạn 2, trong đó đất vượt hạn mức sẽ thu theo giá bảo toàn vốn là 5,6 triệu đồng/m2 nên quận phải thu theo giá này.
Ông Thành khẳng định tất cả các hợp đồng Công ty Công ích đã ký với người dân đều đúng và việc thu tiền chênh lệch cũng không sai. Tuy nhiên, do người dân phản ứng nên mới đây, UBND quận 9 đã có văn bản xin UBND TP được giữ nguyên giá đối với các hộ đã được bố trí nền ở giai đoạn 1 và ký hợp đồng theo giá giai đoạn 1. Các trường hợp có nền ở giai đoạn 2 và 2 nền cộng lại vượt hạn mức đất ở thì phần vượt vẫn tính với giá 5,6 triệu đồng/m2.
Trường hợp UBND TP không đồng ý đề xuất này và người dân không chịu đóng tiền chênh lệch thì sẽ do tòa án giải quyết. “Lúc đó là tranh chấp hợp đồng dân sự giữa Công ty Công ích và người dân” - ông Thành nhấn mạnh.
Theo báo cáo của UBND quận 9, có 18 hộ dân bị tăng giá đất ngoài hạn mức từ 1,2 triệu đồng lên 5,6 triệu đồng/m2, trong đó 4 hộ có tổng diện tích 2 nền vượt hạn mức đất ở.
Bình luận (0)