Phục vụ dự án xây dựng hầm đường bộ đèo Cả, 180/750 hộ dân ở xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa phải giải tỏa trắng và tái định cư ở khu tái định cư số 2 phía Nam đèo Cả (xã Đại Lãnh). Tuy nhiên, trong 148 trường hợp đã nhận đất tái định cư, đến nay chỉ 17 hộ “lều mình” vào sống tại đây.
Mìn nổ liên tục, nước sạch không có
Đường vào khu tái định cư số 2 lởm chởm đất đá, lầy lội, thậm chí nhiều hộ dân chưa có đường vào nhà. Ở cuối khu tái định cư, đơn vị thi công đang nổ mìn phá núi lấy mặt bằng. Cạnh công trường này, gia đình ông Phạm Văn Sâm sống trong căn nhà dựng tạm bằng bạt. “Nhà tôi cách khu vực nổ mìn khoảng 200 m; mỗi lần mìn nổ, cả nhà đều rất lo sợ vì nhiều lần bị đá, khúc cây lớn văng vào” - ông Sâm cho biết.
Cách khu vực này không xa, những hộ dân khác cũng lâm vào tình trạng tương tự. Chỉ vết nứt to bằng ngón tay trên tường nhà, ông Nguyễn Tấn Hoàng bức xúc: “Đơn vị thi công nổ mìn liên tục, nhà tôi mới xây đã nứt toác. Chúng tôi nhiều lần gửi đơn kêu cứu đến cơ quan chức năng nhưng chưa thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm”.
Ngổn ngang khu tái định cư phía Nam đèo Cả
Không chỉ khổ vì mìn, từ lúc vào khu tái định cư, người dân không có nước sạch để sử dụng. Gia đình đến khu tái định cư sống từ tháng 3-2014 nhưng hiện ông Sâm vẫn phải ra suối đào lỗ, chờ nước đọng lại rồi múc về dùng vì không có tiền mua nước sạch. Nhiều gia đình khác cố gắng đóng giếng khoan nhưng nước bị phèn, nhiễm mặn, không dùng được. “Tốn 15 triệu đồng đóng 3 mũi khoan nhưng không sử dụng được, đành phải dùng nước suối của 1 hộ dân lấy từ trên núi về để sinh hoạt, mỗi tháng trả 150.000 đồng” - ông Nguyễn Hồng Thái than thở.
Người dân nơi đây cho biết gần 1 năm ở khu tái định cư nhưng điện chỉ mới có khoảng 2 tháng nay, trước đây phải dùng đèn dầu. “Đường sá lầy lội, sình lún đến đầu gối. Trước đây chưa có cống, mỗi lần đưa con đi học phải cõng qua suối... Khổ trăm bề!” - ông Nguyễn Văn Minh nói thêm.
Về những bức xúc của người dân khu tái định cư, ông Trần Đình Thú, Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh, cho biết ngoài cơ sở hạ tầng, đường sá thiếu, người dân còn lo sợ nền đất yếu, sụt lún không xây được nhà nên số hộ ra khu tái định cư rất ít, đa phần phải sống nhờ người thân hoặc thuê nhà. Xã đã nhiều lần có ý kiến với cấp trên và chủ đầu tư dự án hầm đường bộ đèo Cả, đề nghị phải nhanh chóng giải quyết những bức xúc của dân.
Đi ngược quy trình
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Tấn Dũng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Vạn Ninh, cho biết theo quy định của UBND tỉnh Khánh Hòa, người dân khu tái định cư được hỗ trợ thêm 3 triệu đồng/hộ tiền di chuyển đến nơi ở mới; hỗ trợ gạo trong 6 tháng đầu; hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách từ 1-3 triệu đồng/người và 800.000 đồng/hộ/tháng tiền thuê nhà, thời gian tính từ ngày bàn giao mặt bằng đến khi người dân nhận đất TĐC. Riêng tiền thuê nhà, nhiều hộ dân không dám ra khu tái định cư ở trong khi “lỡ” nhận đất nên mất khoản tiền này. Với 148 trường hợp nhận đất ngoài thực địa nhưng 17 hộ dân xây nhà, 131 hộ còn lại chỉ được hỗ trợ thêm 3 tháng tiền thuê nhà.
Là Phó Ban Quản lý (BQL) dự án hầm đường bộ đèo Cả, ông Trần Đại Xuân thừa nhận việc đưa dân vào khu TĐC là ngược với quy trình. “Đáng lẽ phải xây dựng khu tái định cư bảo đảm cơ sở hạ tầng trước rồi mới đưa người dân vào sống. Tuy nhiên, do tiến độ cấp thiết của dự án cũng như nhiều hộ dân không thuê được nhà nên đã được chính quyền bố trí vào sinh sống tại khu TĐC số 2” - ông Xuân nói.
Ông Xuân cũng phân trần việc cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh do trời mưa liên tục, không thể triển khai thi công kịp tiến độ. Hệ thống cấp nước cho khu tái định cư ban đầu dự tính đấu nối vào hệ thống của xã Đại Lãnh nhưng không được nên BQL phải bổ sung xây dựng hệ thống cấp nước riêng cho khu tái định cư. Trước mắt, BQL sẽ hỗ trợ người dân 2 triệu đồng/hộ để khoan giếng. Dự kiến, ngày 30-4 sẽ hoàn thành hệ thống nước sạch và đường sá cho người dân.
Về nổ mìn, BQL đã chỉ đạo đơn vị thi công giảm khối lượng thuốc nổ từ 50 kg/lần nổ xuống còn 20 kg/lần nổ và hoàn thành dứt điểm trước dịp Tết Nguyên đán. Đầu tháng 2-2015, BQL sẽ phối hợp đơn vị bảo hiểm khảo sát thiệt hại do mìn nổ để có phương án đền bù cho người dân.
Dự án 15.000 tỉ đồng
Dự án hầm đường bộ đèo Cả có chiều dài toàn tuyến là 13,4 km, gồm 4 làn xe cao tốc (với vận tốc thiết kế 80 km/ giờ), khi hoàn thành sẽ rút ngắn một nửa thời gian cho các xe qua đèo Cả trên Quốc lộ 1. Tổng mức đầu tư trên 15.000 tỉ đồng, theo hình thức BOT. Dự án khởi công từ năm 2013, dự kiến hoàn thành năm 2016. Hiện nay, nhà đầu tư đã thu phí phương tiện giao thông Quốc lộ 1 ở Phú Yên và Khánh Hòa.
Bình luận (0)