Chính phủ vừa đề xuất Quốc hội những giải pháp ngắn hạn và lâu dài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP đề ra cho năm 2017 là 6,7%.
Doanh nghiệp thép sẽ bị ảnh hưởng
Theo đó, giải pháp đầu tiên được Chính phủ đề xuất là tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô tối thiểu 1 triệu tấn nhằm đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP và không để ngành khai khoáng giảm sâu.
Chính phủ đề xuất xem xét cho phép Formosa vận hành lò cao số 1 Ảnh: ĐỨC NGỌC
Giải pháp thứ hai là bám sát kế hoạch sản xuất trong năm 2017 của các nhà máy thuộc Tập đoàn Samsung để đạt mức tăng doanh thu xuất khẩu 50 tỉ USD, tăng 20% như dự kiến; góp phần đáng kể cho tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất khẩu và tăng trưởng GDP nói chung.
Một giải pháp quan trọng khác được Chính phủ đề xuất thực hiện ngay, đó là xem xét cho phép nhà máy của Formosa đi vào vận hành lò cao số 1 nếu đáp ứng đủ điều kiện. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tính toán nếu được vận hành lò cao số 1 ngay trong tháng 5, nhà máy Formosa sẽ cho công suất 3,5 triệu tấn thép/năm, đóng góp khoảng 0,16 điểm % trong tăng trưởng GDP.
Về đề xuất tăng khai thác dầu thô, chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh băn khoăn: "Tại sao lại nghĩ đến chuyện tăng khai thác dầu thô khi đây là tài nguyên không tái tạo, giá trị đóng góp vào tăng trưởng không cao so với nhiều lĩnh vực khác?". Theo ông Ánh, đây là giải pháp dễ làm nhưng cho dù có thực hiện thì cũng khó giúp chúng ta đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra cho cả năm.
Ông Đặng Đức Anh, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH-ĐT), nhấn mạnh tăng khai thác 1 triệu tấn dầu thô tức là tăng 8,1% kế hoạch năm 2017 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). "Dầu thô đã khai thác cao hơn kế hoạch rồi nhưng tốc độ tăng trưởng cũng mới chỉ là 5,1% nên đóng góp vào tăng trưởng cả năm 2017 của 1 triệu tấn dầu khai thác thêm có thể không nhiều như kỳ vọng" - ông Anh phân tích.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT), cho rằng cần hết sức lưu ý hiệu quả của giải pháp thúc đẩy hoạt động của Samsung bởi xuất khẩu tăng thì nhập siêu cũng tăng do đây là hoạt động lắp ráp đơn thuần.
Đặc biệt, đối với đề xuất cho phép Formosa vận hành lò cao số 1, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh nhận định khi Formosa sản xuất thêm được 3,5 triệu tấn thép/năm thì phải lưu ý bối cảnh cả thế giới đang dư thừa thép. Formosa tiêu thụ được thì có thể doanh nghiệp thép khác phải giảm sản lượng tiêu thụ.
Cần hướng đến công nghiệp chế biến, chế tạo
Ông Đinh Tuấn Minh đánh giá cả 3 giải pháp nêu trên đều phụ thuộc vào thị trường mà thị trường thế giới đang có nhiều yếu tố bất định, khó dự báo nên tính khả thi của các giải pháp này là không cao.
TS Vũ Đình Ánh lưu ý bối cảnh điều hành năm 2016 cũng dự đoán khả năng không đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm nhưng Chính phủ không đề cập các giải pháp dễ thực hiện như đề xuất Quốc hội giảm mục tiêu tăng trưởng hoặc tăng sản lượng khai thác dầu thô.
Một chuyên gia dầu khí cho biết tăng sản lượng khai thác dầu là giải pháp không tốt cho dài hạn bởi phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề kỹ thuật và đầu tư. Gần đây, chúng ta giảm sản lượng khai thác một phần do yếu tố giá, phần vì trữ lượng mỏ đã giảm; nay ép tăng lên có thể ảnh hưởng đến vỉa mỏ, tạo áp lực không cần thiết trong khi giá bán không cao.
Ông Đặng Đức Anh nhìn nhận kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định nhưng tăng trưởng ở mức thấp, mô hình chuyển đổi chậm, nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào các ngành khai khoáng. Do đó, cần có các giải pháp giảm phụ thuộc vào ngành khai khoáng để nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Cùng quan điểm, TS Vũ Đình Ánh cho rằng giải pháp cần tính tới lúc này là hướng đến tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây là ngành có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế nhưng thời gian qua, tốc độ tăng trưởng vẫn còn thấp.
Ba kịch bản tăng trưởng
Các chuyên gia dự báo nhiều khả năng Việt Nam không đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2017. Do đó, Bộ KH-ĐT đã tính toán sơ bộ 3 kịch bản tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2017. Theo đó, kịch bản thấp dự kiến đạt 5,89%, kịch bản khả thi có khả năng đạt được 6,23% và kịch bản cao đòi hỏi nhiều nỗ lực, giải pháp mạnh có khả năng tăng 6,57%.
Bình luận (0)