Sáng 24-3, Quốc hội (QH) đã thảo luận tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020.
Thách thức rất lớn cho nhiệm kỳ tới
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh đánh giá thách thức còn rất lớn cho nhiệm kỳ tới. "Phải sớm bắt tay vào làm quyết liệt cả về thể chế, bộ máy, hội nhập. Nếu không có bộ máy hiệu quả, chúng ta không thể làm được gì. Ở ta, thiết chế, chức năng nhiệm vụ… phải xin ý kiến nhiều quá, phân cấp chưa rõ nên chuyển biến chậm" - ông Vinh băn khoăn.
Theo ông Vinh, cần có giải pháp, thậm chí chiến lược căn cơ, lâu dài cho ngành nông nghiệp bởi hiện nay, hạn hán, xâm nhập mặn rất gay go. Tổng hợp về các chỉ tiêu của tháng 3-2016 thì ngành nông nghiệp giảm rất mạnh, chắc chắn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I sẽ giảm.
Đại biểu (ĐB) Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng hiện chúng ta có nguy cơ tụt hậu rất lớn. Trong khi đó, nếu không phát triển kinh tế thì độc lập chính trị, giữ vững an ninh, chủ quyền rất khó khăn. Do đó, kinh tế phải tăng trưởng nhưng không được tăng trưởng nóng. Điều kiện tiên quyết là duy trì cân đối lớn của nền kinh tế, từng bước giảm nợ Chính phủ, quản lý chặt chẽ các trường hợp địa phương, bộ, ngành ứng ngân sách hằng năm.
Theo ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), mục tiêu của Chính phủ tới năm 2020, GDP bình quân đầu người đạt 3.000-3.500 USD là một thách thức lớn. “Báo cáo của Chính phủ cần tập trung cao độ bàn biện pháp tích cực phát triển kinh tế đất nước. Tôi thấy hiện nay chỉ bàn nhiều về nhân sự" - ông Vẻ nhận xét.
Trong khi đó, Đoàn ĐBQH TP HCM thống nhất kiến nghị Ủy ban Thường vụ QH đề nghị Chính phủ có báo cáo nhanh về tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại các địa phương khu vực Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, về các giải pháp khắc phục của Chính phủ trong phiên họp QH thảo luận kinh tế - xã hội ngày 1-4.
Một nông dân “cõng” 4 ông công chức!
ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) bày tỏ lo lắng khi chi thường xuyên cho lương cán bộ hành chính nhà nước khoảng 400.000 tỉ đồng/năm, trong lúc thu ngân sách chỉ được 1 triệu tỉ đồng. Hơn nữa, nếu tăng lương đủ thì cũng hết 1 triệu tỉ đồng mỗi năm. Đồng tình với chủ trương tinh giản biên chế nhưng ông Đương cho rằng việc triển khai thực hiện theo quy trình xây dựng đề án, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt... sẽ rất lâu. Vì vậy, nên dành quyền chủ động tinh giản biên chế cho cơ quan, tổ chức.
Ngoài ra, ĐB Đỗ Văn Đương đề nghị phải nhất thể hóa giữa cơ quan Đảng với chính quyền và triệt để cắt các cán bộ phong trào, cán bộ đoàn thể. “Giờ có chủ trương tinh giản bộ máy thì phải có chủ trương xã hội hóa mới được. Cái gì cũng ngân sách nhà nước thì chết, dân không nuôi nổi. Một ông nông dân cõng 4 ông công chức béo thì chết, dân oán thán lắm!” - ông Đương thẳng thắn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, ông Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh), đề nghị xem lại bộ máy của Chính phủ hiện nay. “Lãnh đạo địa phương cũng là Ủy viên Trung ương, bộ trưởng cũng vậy, ông bộ trưởng nói địa phương nghe sao? Nếu không hợp lợi ích của địa phương đó thì lãnh đạo cấp sở thậm chí còn đặt ra vấn đề thách thức với bộ trưởng” - ông Phúc nêu.
Cần quy định rõ quyền tiếp cận thông tin
Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tiếp cận thông tin vào chiều cùng ngày, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết có ý kiến đề nghị không chỉ cơ quan nhà nước mà cả các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước cũng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin.
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị nên liệt kê tất cả danh mục thông tin bí mật ngay trong luật để ngăn tình trạng trục lợi từ thông tin mật hoặc chối bỏ trách nhiệm cung cấp thông tin. Theo ông Phan Trung Lý, Ủy ban Thường vụ QH cần đề nghị QH quy định viện dẫn thông tin không được tiếp cận là thông tin thuộc bí mật nhà nước trong luật.
Đừng bỏ thầu thấp rồi “cưỡi lên lưng hổ”
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, cho rằng chính sách, luật ban hành nhưng không tiếp thu ý kiến người dân do lợi ích nhóm đang lũng đoạn. “Nhiều người đặt câu hỏi lợi ích nhóm đang len lỏi, chi phối đến cả QH? Vậy các nhà làm chính sách có nhận diện được lợi ích nhóm khi làm luật không?” - ĐB Tâm đặt vấn đề.
Về việc Công ty Xinxing (Trung Quốc) vừa trúng thầu cung cấp đường ống nước sông Đà, bên hành lang QH, ĐB Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng - băn khoăn có hay không lợi ích nhóm đằng sau quyết định này. Theo ĐB Tiến, rất nhiều dự án do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện như đường sắt trên cao ở Hà Nội tuyến Hà Đông - Cát Linh vừa kéo dài thời gian vừa đội vốn, thậm chí đội vốn lên 100%, chính là bài học rất đắt giá. Bởi vậy, những người có quyền quyết định ở các dự án này phải rất quan tâm đến năng lực, chất lượng nhà thầu để tránh tình trạng “bỏ thầu thấp rồi trong quá trình làm, chúng ta lại rơi vào thế đã cưỡi lên lưng hổ, không thể xuống được”.
Bình luận (0)