Khó tin hơn nữa là cách xử lý của địa phương. Khi phát hiện cán bộ gian dối đã không nghiêm khắc xử lý mà du di, tiếp tục bố trí công tác. Lý do được bí thư Huyện ủy Tuy Đức đưa ra là “dù những cán bộ này sử dụng bằng bất hợp pháp nhưng họ có đóng góp nhiều cho xã trong mấy chục năm qua, cho nên sắp tới chúng tôi sẽ có hình thức kỷ luật phù hợp, không để họ giữ chức vụ chủ chốt nhưng sẽ vận động đi học lại và bố trí một công việc khác ở xã”.
Cũng thuộc dòng thời sự chung trong ngày 22-7 là công bố từ Viện Khoa học Lao động và Xã hội trên bản tin cập nhật thị trường lao động quý I/2015: Hiện cả nước có tới gần 178.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp.
Hai thông tin trên tuy không cùng “hệ” nhưng khiến nhiều người phải thắc mắc: Tại sao không có bằng cấp mà vẫn được vào làm ở cơ quan công quyền; còn có bằng cấp đường hoàng thì thất nghiệp? Phải chăng việc đào tạo đại học, sau đại học của Việt Nam kém chất lượng nên mới có nhiều trí thức thất nghiệp đến vậy?
Cả hai câu hỏi đều không khó lý giải nếu đi sâu vào những vấn đề cốt lõi tồn tại trong công tác cán bộ cũng như giáo dục - đào tạo ở nước ta.
“Nhất thế, nhì thân” - câu truyền miệng của nhiều người về cơ hội được tuyển vào làm ở các cơ quan công quyền - là một cách lý giải. Không thân không thế thì đừng có mơ đến chiếc ghế công chức. Bởi vậy, thỉnh thoảng lòi ra vài vụ quan xã, quan huyện, kể cả quan tỉnh, bị phát hiện đã “vào” cơ quan công quyền bằng con đường không chính danh!
“Thừa thầy, thiếu thợ” là hiện trạng tại không ít doanh nghiệp và địa phương kéo dài nhiều năm qua. Biết vậy nhưng khi giải bài toán này, ngành giáo dục lại “đi ngược quy trình”.
Bằng chứng là cho phép các trường đại học mọc lên ồ ạt. Người học thì có hạn, lượng thí sinh đủ điểm đầu vào cũng có mức độ nhưng vì để đủ tổ chức ngành học, duy trì bộ môn, thu đủ tiền... mà nhiều trường đã “vét” thí sinh, bất chấp chất lượng. Đầu vào thế nào thì đầu ra thế ấy nên thất nghiệp là tất yếu.
Trở lại với phát biểu của bí thư Huyện ủy Tuy Đức. Đúng là ban đầu mới nghe qua ai cũng sốc nhưng nhìn nhận vào thực tế thì thấy cũng có lý. Tuy nhiên, luật là luật, nếu du di là phạm luật, là bất công.
Phải chi kinh nghiệm làm việc lâu năm của các “quan” xài bằng giả và tấm bằng thật của những cử nhân vốn nhiều kiến thức nhưng thiếu thực tế bổ khuyết được cho nhau thì tốt biết mấy! Suy cho cùng, mấu chốt vấn đề vẫn nằm ở chuyện bằng cấp. Khi nào tuyển dụng mà quá tập trung vào bằng cấp thì vẫn tồn tại tình trạng gian lận văn bằng, vẫn còn tình trạng học để lấy tấm bằng rồi xong, chẳng biết làm gì...!
Bình luận (0)