Tối ngày 8-7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm các chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 18 thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô bị thương trong vụ trực thăng rơi tại huyện Thạch Thất (Hà Nội) ngày 7-7, đang được điều trị tại Viện Bỏng quốc gia.
3 chiến sĩ bị thương nặng đang được điều trị là: Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1981, quê ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang; là chiến đấu viên Tiểu đoàn 18 đặc công thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô ), chẩn đoán đa chấn thương, bỏng lửa 74%, bỏng hô hấp; Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Đinh Văn Dương (sinh năm 1983, quê ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam; là chiến đấu viên Tiểu đoàn 18 đặc công) chẩn đoán đa chấn thương, bỏng lửa 53%, bỏng hô hấp; Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Hoàng Anh (sinh năm 1981, quê ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình; là chiến đấu viên Tiểu đoàn 18 đặc công), chẩn đoán đa chấn thương, bỏng lửa 52% ở mặt, chân, chi, bỏng hô hấp; gãy 1/3 dưới xương cẳng chân, vỡ xương sọ.
Được biết, gia đình của các chiến sĩ đều hết sức khó khăn, cha mẹ già, vợ trẻ, con mới chỉ 2-3 tuổi. Riêng trung úy Dương vợ đang có bầu sắp đến kỳ sinh. Sau khi nhận được tin dữ của chồng, chị đã trở dạ sớm, hiện đang chờ sinh tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108.
Một chiến sĩ bị thương trong vụ trực thăng rơi đang điều trị tại Viện Bỏng quốc gia
Báo cáo kết quả điều trị, Giám đốc Học viện quân y, Trung tướng Nguyễn Tiến Bình cho biết trong số 5 quân nhân bị thương, được chuyển về Viện Bỏng quốc gia, đến nay, đã có 2 quân nhân qua đời vào tối ngày 7-7 và rạng sáng 8-7 mặc dù đã được các y, bác sĩ tận tình cứu chữa. Hiện tại còn 3 quân nhân đang được cứu chữa tích cực tại bệnh viện.
“Với bỏng sâu đơn thuần do nhiệt đã rất khó chữa, ở đây các nạn nhân còn bị một tổn thương do sóng nổ là cái gây hỏng tổ chức trông tưởng bình thường nhưng chức năng đã bị mất. Hơn nữa, bị thương tổn trong sóng nổ không chỉ bỏng ngoài da mà còn bị bỏng đường hô hấp do hít phải khí độc và khí xăng và nhiệt độ cao làm cho các phế nang đều bị bỏng, hô hấp của bệnh nhân rất khó khăn” - tướng Bình cho biết.
Cũng theo Trung tướng Nguyễn Tiến Bình, trong những ngày qua đội ngũ thầy thuốc đã làm việc hết mình, làm cái gì có thể để cứu bệnh nhân. Các bác sĩ trực 24/24 giờ. Tất cả những chuyên viên có kinh nghiệm nhất cũng được tập trung ở đây để cứu chữa các chiến sĩ bị thương.
Tướng Bình cho biết ngay sau vụ tai nạn xảy ra, Bộ Quốc phòng đã nhanh chóng chỉ đạo xử lý khắc phục hậu quả. Các đoàn công tác của Tổng cục Chính trị và Bộ Tổng tham mưu đều triển khai các biện pháp cụ thể, kịp thời. Cùng với đó, các bệnh viện quân đội, Quân chủng Phòng không - Không quân và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã nỗ lực cố gắng trong cấp cứu chiến sĩ bị thương và xử lý các công việc có liên quan.
Trung tướng Lê Hùng Mạnh, Chính ủy Bộ tư lệnh Thủ đô, cho biết sau khi xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc đã tìm hiểu thăm hỏi, động viên, hỗ trợ thân nhân các gia đình các cán bộ, chiến sĩ gặp nạn. “Tuổi đời các đồng chí còn quá trẻ, đa phần là 30-35 tuổi. Ngày hôm trước, các chiến sĩ đã thực hiện huấn luyện an toàn, hôm sau những đồng chí đó lại tiếp tục xung phong tiếp tục huấn luyện. Sự hy sinh đó là sự hy sinh anh dũng, là sự mất mát lớn đối với gia đình và Bộ Quốc phòng. Chúng tôi sẽ đề nghị Bộ Quốc phòng thăng quân hàm cho các đồng chí” - tướng Mạnh chia sẻ.
Sau khi thăm hỏi các chiến sĩ và động viên người thân gia đình các chiến sĩ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Viện Bỏng phải tiếp tục làm hết sức mình, huy động đội ngũ thầy thuốc, phương tiện, thuốc men tốt nhất; kêu gọi tất cả các đơn vị hỗ trợ tối đa cố gắng hết sức để cứu chữa 3 quân nhân đang bị thương.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị trong ngày hôm nay (9-7), Viện Bỏng quốc gia sẽ hội chẩn liên viện với các giáo sư đầu ngành của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt-Đức, Bệnh viện 103… để tìm giải pháp điều trị tốt nhất.
Bộ trưởng Tiến khẳng định Bộ Y tế sẽ không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để cố gắng cứu sống các chiến sĩ, kể cả phương pháp EMO (chạy tim phổi nhân tạo).
Bình luận (0)