Bên lề hội nghị Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa 10 tại TP HCM cuối tuần qua, đại diện nhiều cơ quan báo chí cho rằng sự phát triển của mạng xã hội (MXH) đang tạo ra quá nhiều thách thức, thậm chí ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của các loại hình báo chí chính thống.
Facebook Live: Thực sự lợi hại
Từ năm 2015 đến nay, truyền thông xã hội (TTXH) có những bước tiến công nghệ kinh hoàng, làm thay đổi tư duy của những người làm báo cũng như cách thức làm báo của các tòa soạn.
Trong kỷ nguyên của TTXH, con người không cần tìm đến tin tức mà tin tức tự động tìm đến con người. Một nội dung báo chí được coi là thành công hiện nay không chỉ thu hút sự quan tâm của độc giả - người dùng cuối mà còn phải khiến cho người dùng đó chia sẻ trên MXH. Một bài viết, phóng sự ảnh hay video giờ đây phải làm sao lôi kéo được cả độc giả lẫn bạn bè, người thân của họ. Con số đáng quan tâm mới được công bố tại Hội nghị Báo chí Publish Asia ở Manila - Philippines vào cuối tháng 3-2016: tỉ lệ truy cập trang web từ các đường link được dẫn trên MXH là 43%, vượt tỉ lệ qua tìm kiếm là 38% và đương nhiên vượt lượng truy cập trực tiếp các trang web.
Khi xảy ra cuộc cạnh tranh giữa 2 ứng dụng video streaming là Meerkat và Periscope, nhiều chuyên gia đã phỏng đoán về một thời kỳ mới đối với báo chí và một vũ khí lợi hại cho những người bình thường muốn đăng tải nội dung lên internet. Rồi Meerkat “tịt ngòi” còn Periscope của Twitter chiếm thế thượng phong, vũ khí đó xem ra cũng chưa phát huy tác dụng. Nhưng Facebook Live xuất hiện đầu năm nay lại là câu chuyện khác, với một ví dụ cụ thể là phần tường thuật trực tiếp của trang tin Buzzfeed cho nổ tung quả dưa hấu bằng những vòng cao su đã thu hút hơn 2 triệu người xem. Sự khác biệt, theo ông chủ trẻ Mark Zuckerberg, là Facebook có sẵn độc giả. Hơn 1,5 tỉ người dùng chẳng cần phải tải thêm ứng dụng mới đã xem được đủ loại nội dung và có thể làm một nhà báo nếu họ muốn.
Chi phối toàn diện
Chỉ 5-6 năm trước, TTXH mới được coi là một phần quan trọng trong chiến lược của các tòa soạn, còn hiện nay, nó được coi là phần “không thể tách rời.” Rất nhiều cơ quan báo chí đang đẩy nội dung lên Instant Articles của Facebook, Discover của Snapchat, The News của Apple hay sử dụng công cụ AMP của Google và coi đây như một kênh quan trọng để tăng lượng truy cập cũng như tìm kiếm khả năng tạo nguồn thu. Có lẽ hiếm có báo nào không nhanh chóng đưa thông tin mới nhất lên các kênh MXH, nhất là Facebook, để nhanh chóng lan tỏa nội dung của mình; thậm chí báo chí còn coi MXH là ưu tiên trước hết.
Trong bối cảnh TTXH chi phối quá lớn như thế, có một quan điểm đáng chú ý, đó là trừ những tờ báo lớn có khả năng duy trì sự trung thành của độc giả thì có thể tiếp tục cách làm lâu nay bằng việc tạo những sản phẩm báo chí của riêng họ, còn những đơn vị nhỏ hoặc mới chỉ nên sản xuất nội dung và đẩy lên các MXH chứ chẳng cần website làm gì.
Cũng cần nhắc đến một bất lợi khác đối với các nhà xuất bản. Đó là trước đây, các công ty kinh doanh hay các tổ chức, cá nhân phải thông qua báo chí để đưa quảng cáo hoặc thông điệp của họ đến người dùng thì nay tất cả đều có tài khoản trên MXH để tự tiếp cận mọi đối tượng, tệ hơn là họ vẫn chi cho quảng cáo nhưng là chi thẳng cho các trang MXH này. Người dùng cá nhân cũng thế, họ không cần đến những đường dây nóng hay hộp thư bạn đọc thuở nào; điều gì cần nói thì họ tự đưa lên internet.
Rõ ràng, TTXH đang tác động to lớn đến cách tiêu dùng tin tức và cách tác nghiệp của các nhà báo, cơ quan báo chí lẫn cách ứng xử của người dùng.
Không thể quản lý
Vậy về mặt quản lý thì tác động thế nào? “Sập cầu dao” với các MXH quốc tế như cách làm của một số nước là điều đi ngược lại xu thế nên chắc chắn không thể thực thi. Cơ quan quản lý có thể nắm quyền cấp phép cho các ấn phẩm hay trang web báo chí nhưng khó lòng quản lý việc sử dụng MXH cũng như cách sản xuất nội dung trên đó.
Cách làm nội dung lẫn quảng cáo cho MXH hiện nay cũng thay đổi nhiều so với những quy định tiêu chuẩn về nội dung báo chí vốn tồn tại hàng trăm năm qua. Trong khi đó, các quy định về luật pháp không thể theo kịp. Vì thế, cách quản lý phù hợp là quản lý nội dung thay vì hình thức và hậu kiểm sẽ là phương thức khả thi hơn.
Có câu “Facebook là tờ báo lớn nhất thế giới dù không sở hữu bất kỳ nội dung/phóng viên nào; Uber là hãng taxi lớn nhất thế giới dù không sở hữu chiếc taxi nào; Alibaba là chợ lớn nhất thế giới dù không sở hữu cửa hàng nào và Airbnb là dịch vụ lưu trú lớn nhất thế giới dù không sở hữu bất kỳ phòng nghỉ nào”. Facebook luôn khẳng định rằng họ chỉ là công cụ phân phối nội dung chứ không phải đơn vị sản xuất nội dung. Song điều quan trọng là Facebook cùng những MXH khác đang tạo ra một nền tảng và những công cụ kỹ thuật đột phá để tạo ra một “sân chơi” mới cho mọi người. Nếu áp dụng những quy định cũ cho “sân chơi mới”, rõ ràng là điều không phù hợp.
Một tỉ lệ khá cao người dùng coi MXH là nguồn cung cấp tin tức mỗi ngày, còn giới phóng viên dùng MXH trong mọi công đoạn của quy trình sản xuất tin tức: từ thu thập thông tin đến thẩm định thông tin và phát hành thông tin.
Ý KIẾN
Đại biểu Quốc hội BÙI THỊ AN (Hà Nội):
Minh bạch thông tin thì không lo “lề trái”
MXH có mặt rất tích cực là cung cấp thông tin, gợi ý đề tài cho báo chí song mặt trái là đưa thông tin phản cảm, bịa đặt… Giải pháp là phải minh bạch thông tin, khi đó mọi người mới có thể hạn chế tìm kiếm thông tin “lề trái”. Mặt khác, cần giáo dục, tuyên truyền cho người sử dụng MXH có ý thức, có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng khi đưa thông tin lên mạng. Người đọc thông tin cũng cần tỉnh táo để nhận thức đâu là đúng, sai. Nếu làm được vậy thì MXH sẽ phát huy rất tốt tác dụng của nó.
Đại biểu Quốc hội DƯƠNG TRUNG QUỐC (Đồng Nai):
Báo chí khai thác mạng xã hội rất tốt!
Mạng xã hội là sản phẩm thành tựu của khoa học công nghệ, do đó rất khó kiểm soát về chất lượng, nội dung. Chưa kể, đó là quyền tự do ngôn luận của người dân nên không thể có biện pháp kiểm soát cứng nhắc được. Chính vì tính 2 mặt của nó nên vừa rồi, Luật Báo chí (sửa đổi) chưa đề cập tới nội dung này.
Đáng mừng là hiện nay, nhiều báo đã có những bước thay đổi, khai thác tốt thông tin trên MXH để phản ánh nhằm đưa tờ báo đến gần với người dân, sống động hơn. Các bài viết khai thác qua MXH nếu hay, phát huy được mặt tích cực thì nên khuyến khích.
TS Trần Bá Dung, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam:
Phải sàng lọc, thẩm định kỹ
Sự phát triển mạnh mẽ của MXH như hiện nay đã ảnh hưởng rất nhiều đến báo chí chính thống. MXH là tự do cá nhân, không ai kiểm duyệt nên thông tin đưa rất nhanh. Trong khi đó, báo chí chính thống bắt buộc phải thẩm định nguồn tin, kiểm chứng thông tin nên về tốc độ chắc chắn là đi sau.
Báo đưa không nhanh bằng MXH thì người ta không đọc báo mà đọc MXH là chính. Cái lo là các nguồn tin đa chiều tung lên MXH thường là gây sốc, độ chính xác không cao nên đòi hỏi người làm báo phải sàng lọc, thẩm định kỹ trước khi khai thác để thông tin chính xác.
Ông TRƯƠNG NGỌC NAM, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền:
Phải định hướng tốt dư luận
Báo chí chính thống nên có sự định hướng và phản hồi xã hội thật mạnh mẽ để có thể khẳng định được độ đúng, sai của thông tin, chứ không cuốn theo MXH. Ở các nước phương Tây, MXH là phương tiện tự do bày tỏ cho các cá nhân nhưng người dân rất có ý thức tuân thủ pháp luật khi đưa thông tin lên mạng. Họ hoàn toàn hiểu chỉ một việc đơn giản như cầm tay đứa trẻ mà không được sự đồng ý của bố mẹ bé là đã có thể rắc rối to. Cho nên đưa thông tin lên MXH là tự do nhưng cũng nằm trong khuôn khổ chặt chẽ mà luật pháp quy định.
P.Nhung - H.Bình ghi
Bình luận (0)