xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Báo động nạn khoan giếng chui

NHƯ PHÚ - GIA MINH

Chiếc giếng khoan mà bé gái gặp nạn chưa được cơ quan chức năng cho phép làm. UBND tỉnh Bình Dương đang yêu cầu cơ quan công an khẩn trương làm rõ, truy cứu trách nhiệm của chủ giếng

“Bé gái bị rơi xuống giếng khoan có độ sâu 80 m. Rơi được khoảng 15 m, bé vướng phải một hòn đá từ lòng đất nhô ra và kẹt lại ở đó. Thật là may mắn, nếu bé rơi tới đáy thì sao mà cứu nổi...” - anh Trần Lê Phương (32 tuổi, quê Tây Ninh), người duy nhất chạm được bé gái ở tại vị trí mắc kẹt, kể lại.

Ngoài anh Phương, hơn 400 người dân và cán bộ, chiến sĩ cứu hộ, cứu nạn đã tham gia cuộc đào bới, giải cứu bé Nguyễn Trần Tú Anh (7 tuổi, ngụ xã Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) từ chiều tối 4-8 đến rạng sáng 5-8.

Sống sót nhờ hòn đá

Khoảng 16 giờ 30 phút ngày 4-8, trong lúc vui chơi với nhóm bạn tại một khu đất trống thuộc xã Tân Vĩnh Hiệp, Tú Anh sẩy chân rớt xuống giếng khoan (rơi vào khe hở giữa ống nhựa và thành đất).

Theo người dân địa phương, đây là giếng khoan công nghiệp do vợ chồng ông T. và bà P. (quê Nam Định) bỏ tiền làm, dự định khi xong sẽ xây nhà xưởng cho thuê. Lẽ ra, sau khi thả ống nhựa xuống giếng, người thi công phải đổ đất cát trám xung quanh nhưng họ chưa làm nên bé Tú Anh bị rơi vào khe hở này.

Bé Tú Anh được đưa lên mặt đất sau 8 giờ bị mắc kẹt dưới độ sâu 15 m. Ảnh nhỏ: Sau khi giải cứu thành công bé gái, thợ đào giếng Trần Lê Phương đuối sức, lê từng bước rời hiện trường Ảnh: NHƯ PHÚ
Bé Tú Anh được đưa lên mặt đất sau 8 giờ bị mắc kẹt dưới độ sâu 15 m. Ảnh nhỏ: Sau khi giải cứu thành công bé gái, thợ đào giếng Trần Lê Phương đuối sức, lê từng bước rời hiện trường Ảnh: NHƯ PHÚ

Nhiều máy xúc đã được huy động tới hiện trường đào bới diện tích hơn 100 m2 (sâu khoảng 10 m) dẫn đến gần giếng khoan. Lo sợ việc tiếp tục đào bằng máy xúc sẽ khiến đất cát vùi lấp Tú Anh, khoảng 21 giờ ngày 4-8, một tốp thợ chuyên đào giếng gồm 5 người được mời đến hiện trường đào một cái giếng sát bên giếng khoan.

Anh Trần Lê Phương (1 trong 5 thợ đào giếng) nhớ lại: “Tôi là người đào sau cùng. Khi tới độ sâu 15 m (tính từ mặt đất), tôi bắt đầu đào một đường băng ngang giếng khoan và chạm tay đúng người Tú Anh. Rất khó khăn tôi mới lôi được bé qua cái giếng vừa đào”. Đúng 1 giờ 35 phút ngày 5-8, Tú Anh được giải thoát khỏi lòng đất, cơ thể nhem nhuốc đất đỏ, chỉ xây xát vùng mặt, tay chân.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, sau khi ăn uống nhẹ, Tú Anh đã nói chuyện với mẹ (cha bé đã mất vì tai nạn giao thông) rồi ngủ một giấc dài. Trước đó, suốt hơn 8 giờ Tú Anh lâm nạn, các chiến sĩ túc trực trên miệng giếng liên tục nói vọng xuống hỏi han, khích lệ nên bé bớt sợ hãi và tỉnh táo.

Truy cứu trách nhiệm chủ giếng

Chiều 5-8, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên, cho biết giếng khoan mà bé Tú Anh gặp nạn chưa được cơ quan chức năng cho phép làm. UBND thị xã đã yêu cầu cơ quan công an khẩn trương làm rõ, truy cứu trách nhiệm của chủ giếng. “Đáng lẽ khoan giếng xong phải đổ cát vào trám khe hở, đằng này chưa trám mà phần miệng lại để hớ hênh” - ông Phương bức xúc.

Cùng ngày, ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cũng yêu cầu lãnh đạo thị xã Tân Uyên truy trách nhiệm chủ giếng để xảy ra tai nạn. Ông Nam chỉ đạo tất cả huyện, thị, TP trực thuộc tỉnh phải rà soát lại tình hình giếng khoan trên địa bàn, không để xảy ra tai nạn tương tự.

Trên thực tế, tình trạng khoan giếng chui không chỉ diễn ra tràn lan ở Bình Dương mà còn nhiều nơi trên cả nước. Ông Nguyễn Văn Hải, sống ở vùng giáp ranh Bình Dương - Bình Phước, cho biết: “Vùng này cũng như mấy tỉnh Tây Nguyên, người ta khoan giếng lớn có, nhỏ có để tưới tiêu, phục vụ việc xây dựng hoặc cung cấp cho các phòng trọ hay kinh doanh, sản xuất. Nhiều chỗ có nước máy, người ta vẫn thích dùng nước giếng khoan. Khoan riết rồi nước ngầm cũng hao hụt nên nhiều chỗ khoan hoài mà không có nước, miệng giếng bỏ hoang rất nguy hiểm”.

Một cán bộ ngành tài nguyên môi trường cho rằng tất cả hành vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đăng ký, không có giấy phép sẽ bị xử phạt theo Nghị định 142/2013/NĐ-CP, mức cao nhất lên đến 250 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.

Thưởng nóng 75 cá nhân, đơn vị

Chiều 5-8, UBND thị xã Tân Uyên đã tổ chức khen thưởng đột xuất cho 9 đơn vị và 66 cá nhân tham gia giải cứu bé Tú Anh. Các đơn vị được lãnh đạo thị xã Tân Uyên trao bằng khen và thưởng nóng 55 triệu đồng. Riêng 5 người thợ đào giếng do ông Phan Văn Cam (51 tuổi, ngụ phường Bình Chuẩn, thị xã Tân Uyên) làm trưởng nhóm được thưởng 5 triệu đồng.

Ông Nguyễn Thành Phương cho biết trong quá trình giải cứu bé Tú Anh, các đơn vị đã huy động hơn 400 người tham gia. Mọi biện pháp đã được thực hiện trong sự nỗ lực cao nhất. “Tất cả đơn vị đều thường xuyên diễn tập trong những tình huống khác nhau nhưng trường hợp giải cứu bé Tú Anh là hy hữu nhất từ trước đến nay. Dù vậy, các lực lượng đã có sự phối hợp một cách chuyên nghiệp với tinh thần và sự nỗ lực cao nhất. Cháu bé đã được cứu sống một cách thần kỳ” - ông Phương nhận xét.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo