Chiều tối ngày 8-12, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã họp để bàn biện pháp đối phó với cơn bão Hagupit sẽ đổ bộ vào biển Đông vào sáng sớm mai (9-12).
Theo nhận định của ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, nếu sớm thì khoảng từ 4-5 giờ sáng mai 9-12, bão Hagupit mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12 sẽ đổ bộ vào biển Đông, trở thành cơn bão số 5.
Sau khi vào biển Đông, bão chủ yếu di chuyển theo hướng Tây với tốc độ từ 10-15 km/giờ. Càng vào sâu, bão càng giảm cấp. Đến ngày 10 và 11-12, bão sẽ di chuyển đến kinh tuyến 114-115N và sẽ có xu hướng lệch theo hướng Tây Nam, tốc độ tăng lên 15-20 km/giờ và cường độ bão chỉ còn mạnh cấp 8 hoặc yếu hơn. Cùng với bão số 5, ngày 11-12 sẽ có không khí lạnh mạnh tăng cường xuống nước ta, sẽ ảnh hưởng đến giữa và Nam biển Đông vào ngày 12-12.
“Khả năng tương tác giữa không khí lạnh với bão hoặc hoàn lưu bão suy yếu để gây mưa lớn cho khu vực Trung bộ là rất thấp” - ông Cường nói.
Theo báo cáo của Bộ tham mưu - Bộ đội Biên phòng, tính đến 17 giờ ngày 8-12, lực lượng biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang phối hợp với địa phương, gia đình các chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm 45.431 phương tiện, với hơn 196.609 người biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 300 phương tiện và 4.009 người vẫn đang hoạt động ở giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa).
Theo ông Cường, có 2 khả năng xảy ra: Khả năng thứ nhất (60% xảy ra), bão di chuyển dọc ven biển các tỉnh Nam Trung Bộ dưới dạng áp thấp nhiệt đới, gây mưa cho các tỉnh Nam Bộ từ Ninh Thuận đến Bến Tre khoảng 50 mm. Khả năng thứ 2 (40% xảy ra), bão di chuyển gần Kinh tuyến 110 khi cách đất liền 100 km suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tan trên biển hoặc đi sâu về phía Nam, không ảnh hưởng đến đất liền.
Dù nhận định bão không mạnh khi đổ bộ vào biển Đông, song Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, cho rằng: “Dù bão đổ bộ vào biển Đông chỉ mạnh cấp 8, nhưng như thế cũng đủ để nhấn chìm các tàu đánh cá của ngư dân nếu nằm ở vùng tâm bão đi qua” - ông Phát nói.
Vì vậy Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm từ ngày 9 đến ngày 11-12 tới là bằng mọi cách tiếp tục kêu gọi, đôn đốc, thông báo diễn biến bão đến các phương tiện để 300 tàu cùng hơn 4.000 ngư dân đang hoạt động trong vùng nguy hiểm về nơi tránh trú an toàn.
“Trước mắt, vùng cảnh báo nguy hiểm có gió cấp 6 trở lên, tàu thuyền phải thoát ra khỏi khu vực từ vĩ tuyến 10 đến vĩ tuyến 17, sau đó sẽ điều chỉnh theo diễn biến của bão” - ông Cao Đức Phát yêu cầu.
Ông Phát cũng lo lắng nếu bão đổ bộ vào khu vực Nam bộ. “Dù chỉ mạnh cấp 8 nếu đổ bộ vào khu vực này cũng rất nguy hiểm vì phần lớn nhà cửa bà con không chắc chắn, nếu không chủ động, sẽ nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của nhân dân” - ông Phát khuyến cáo.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thuỷ văn Trung ương, lúc 16 giờ ngày 8-12, vị trí tâm bão Hagupit ở vào khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 121,5 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km/giờ), giật cấp 11-12. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km. Đến 16 giờ ngày 9-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 118,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông biển Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 490 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 10-11. Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh, từ tối nay (8-12) ở khu vực phía Đông biển Đông có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11. Biển động rất mạnh
Bình luận (0)