xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bão Haiyan vào Bắc Bộ

Nhóm phóng viên

Bão Haiyan bất ngờ tiến vào Hải Phòng, Thái Bình và Quảng Ninh từ khuya ngày 10 và rạng sáng 11-11

Chiều 10-11, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương đã họp thông báo sự chuyển hướng đột ngột của cơn bão số 14 (tên quốc tế là Haiyan - Hải Yến). Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động lúc 23 giờ 30 cùng ngày, nhiều nơi ở Hải Phòng đã có mưa to, gió giật, khu vực quận Đồ Sơn có mưa rất to, sóng đánh mạnh vào bờ.
img

Lúc 23g ngày 10-11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có mặt tại Hải Phòng để chỉ đạo công tác phòng chống bão

Các đảo Cát Bà, Cát Hải, Cô Tô chịu ảnh hưởng nặng nhất

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, cho biết từ sáng 10-11, hướng đi của bão số 14 đã thay đổi nhiều. Thay vì đi vào Thanh Hóa, bão đi lên phía Bắc nước ta và ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển Bắc Bộ. Đến tối 10-11, tâm bão được xác định là Hải Phòng, Thái Bình và Quảng Ninh. Sau đó, bão sẽ di chuyển tiếp lên phía Bắc, tan thành áp thấp nhiệt đới trên địa phận Trung Quốc. Khi đổ bộ, bão mạnh cấp 10, tâm bão có gió giật cấp 12-13. Do ảnh hưởng của bão, toàn bộ vùng ven biển Bắc Bộ từ Ninh Bình đến Quảng Ninh có gió cấp 7-8 trở lên. Các tỉnh nằm sâu trong khu vực Bắc Bộ như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn có gió cấp 5-7. Các tỉnh Bắc Bộ có lượng mưa trên dưới 100 mm nhưng đến chiều hôm nay (11-11) giảm đáng kể. Trước diễn biến bất thường của bão, ông Tăng cảnh báo các đảo Cát Bà, Cát Hải, Cô Tô phải khẩn trương phòng tránh bão vì đây là các điểm sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
img
 Người dân 2 phường Ngọc Hải, Đồ Sơn được sơ tán đến nơi an toàn

Ngày 10-11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thị sát công tác chuẩn bị phòng chống bão số 14 dọc ven biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Thanh Hóa. Phó Thủ tướng lưu ý chính quyền cần chú ý tính an toàn của các hồ chứa, việc điều tiết nước trên các khu vực dân cư, điểm xung yếu… 23 giờ cùng ngày, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến Hải Phòng, Quảng Ninh để chỉ đạo phòng chống bão.

Hải Phòng: Hàng chục ngàn người tham gia ứng cứu

Lúc 20 giờ, ngày 10-11, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TP Hải Phòng nhận được được thông tin tàu FU CHENG 22, tải trọng 900 tấn, quốc tịch Trung Quốc, đang trên đường về cảng Hải Phòng bị sự cố hỏng máy chính. Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực I đã liên lạc và hướng dẫn tàu vận tải đang hành trình gần đó tiếp cận tàu bị nạn để giúp đỡ.
img

Người dân huyện đảo Cát Hải, TP Hải Phòng được đưa đến nơi an toàn để tránh bão Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Trước tính chất phức tạp của cơn bão, từ đầu giờ chiều 10-11, ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, đã chỉ đạo cấm biển, dừng mọi hoạt động chở khách, vui chơi trên biển. Chủ tịch UBND TP Hải Phòng yêu cầu các ngành, địa phương và Bộ đội Biên phòng kiên quyết đưa các tàu, thuyền về nơi trú tránh và di dời người khỏi các chòi canh thủy sản trước 15 giờ ngày 10-11.

img

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TP Hải Phòng cho biết đã lên phương án sơ tán gần 80.000 dân khi bão đổ bộ trực tiếp. Đến chiều 10-11, TP Hải Phòng đã sơ tán 7.407 hộ/20.158 người. Tại các điểm đê xung yếu dễ gây sạt lở, vỡ đê khi bão đổ bộ như đoạn đê ở Kiến Thụy, Đồ Sơn, Tràng Cát… đã bố trí lực lượng sẵn sàng ứng cứu.
img
Các lực lượng chức năng TP Hải Phòng trực chiến ứng phó bão
 
Hiện 100% tàu thuyền đánh bắt xa bờ đã vào nơi trú tránh bão. Bộ Chỉ huy Quân sự TP Hải Phòng cho biết đã huy động 100% quân số để túc trực phòng chống bão. Bên cạnh đó, lực lượng cơ động có hơn 1.500 người, lực lượng tại chỗ gần 5.500 người sẵn sàng chống bão. Cùng với đó, TP đã huy động lực lượng xung kích hộ đê, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn với 36.925 người tham gia cùng 328 ô tô các loại, 107 tàu và xuồng cao tốc, 4 xe thiết giáp...
 

Thái Bình: Huy động tối đa phương tiện cứu hộ

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình, đến 17 giờ ngày 10-11, công tác chỉ đạo đối phó với bão đã cơ bản hoàn thành. Theo đó, toàn tỉnh đã chỉ đạo buộc di chuyển 1.200 tàu thuyền của ngư dân vào nơi trú ẩn an toàn; trên 3.000 chủ đầm nuôi trồng thủy sản đã rời đầm về nhà; 2 huyện Tiền Hải và Thái Thụy hiện có khoảng trên 200 hộ dân gần khu vực đê quốc gia, UBND tỉnh cũng đã có phương án di dời. Bên cạnh đó, các phương tiện phòng chống, ứng cứu trong bão cũng được UBND tỉnh huy động đối đa.

Quảng Ninh: 1.000 người ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn

Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, từ sáng 10-11, địa phương đã cấm toàn bộ tàu thuyền ra khơi. Các hồ đập đã được lên phương án xả nước và chống vỡ đập. Không có tàu thuyền nào của Quảng Ninh nằm trên đường di chuyển và vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão; 466 tàu du lịch cũng đã rời bến đến nơi tránh trú bão.

Trước 18 giờ ngày 10-11, huyện Vân Đồn và TP Hạ Long đã di chuyển khoảng 1.000 người dân ở ngoài các lồng bè, nơi sạt lở nguy hiểm đến vị trí an toàn. Theo báo cáo của huyện Vân Đồn, hiện nay do xuống cấp, đê Quan Lạn đang trong tình trạng nguy hiểm.

Hà Nội: Huy động toàn lực chống bão

Tại Hà Nội, sáng 10-11, UBND TP Hà Nội đã có cuộc họp khẩn với các ban ngành về công tác phòng chống lụt bão. Theo ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, yêu cầu các địa phương có thể xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất như Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ khẩn trương sơ tán dân đến nơi an toàn. Công tác rà soát nhà cấp 4, nhà yếu và nhà tạm phải được các quận, huyện, thị xã đặc biệt chú ý và tổ chức chằng, chống để tránh thiệt hại về người và của. TP Hà Nội cũng yêu cầu hạn chế mọi cuộc họp và dồn toàn lực để chống bão.

Theo dự báo, ngập úng có thể xảy ra cục bộ nếu mưa kéo dài hoặc mưa to từ 5-6 giờ sáng 11-10. Chiều cùng ngày, Sở Giáo dục và Đào tạo đã cho học sinh trên địa bàn nghỉ học ngày 11-11.
Để chủ động đối phó với bão, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, đã gửi điện yêu cầu các đơn vị trực thuộc theo dõi sát diễn biến cơn bão, tổ chức trực chiến 24/24 giờ, bảo đảm 100% quân số trực và ứng trực. Lực lượng công an cơ sở phối hợp chặt với các lực lượng chức năng bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn tài sản của các cơ quan, tổ chức và nhân dân.
 

Đã có 4 người thiệt mạng

Sáng 10-11, tại Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên đóng tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì họp giao ban trực tuyến với các tỉnh, thành: Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và các bộ, ngành liên quan nhằm đánh giá ban đầu tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 14.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết hiện chưa có thông tin thiệt hại về tàu thuyền do bão Haiyan gây ra. Tính đến ngày 10-11, các tỉnh, thành trong khu vực ảnh hưởng của bão đã sơ tán 166.603 hộ/597.000 dân.

Kết thúc cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Hiện bão Haiyan có hoàn lưu rất rộng và diễn biến còn phức tạp, chưa thể hình dung bão sẽ kết thúc như thế nào khi gặp gió mùa Đông Bắc hay nhiệt độ tăng... Vì vậy, các địa phương, bộ, ngành phải tiếp tục theo dõi diễn biến của bão để có những chủ trương, biện pháp xử lý kịp thời, không để lúng túng, bị động khi có sự cố.

Cùng ngày, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo tiền phương đối phó với bão số 14, đã có 4 người chết do bão. Cả 4 trường hợp tử vong này đều do bị tai nạn trong lúc chặt cây, chằng chống nhà cửa để đối phó với bão.

H.Dũng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo