Dư luận ở Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đang xôn xao vì vụ đột kích hầm khai thác thiếc lậu lần thứ 10 trong 21 tháng qua của lực lượng chức năng tại TP du lịch này.
Ra quân hùng hậu, tạm giữ... 1 đối tượng
Từ tháng 10-2011 đến nay, các cơ quan chức năng TP Đà Lạt đã phát hiện, triệt phá cả chục địa đạo của "thiếc tặc" ở Khu Du lịch Thung lũng Tình yêu. Lực lượng liên ngành gồm công an, chủ rừng và địa phương đã ra quân rất hùng hậu nhưng chỉ mới tạm giữ được 1 người vi phạm trong ngày 6-8. Vấn nạn "thiếc tặc" nóng đến nỗi trong cuộc họp của HĐND TP Đà Lạt diễn ra ngày 9-6 vừa qua, có đại biểu đã than thở: “Chẳng lẽ chúng ta bó tay?!”.
Trong khi người dân hoài nghi, du khách thất vọng vì hàng trăm cây thông là “đặc sản” của cảnh quan đô thị xứ lạnh ở Thung lũng Tình yêu bị tàn sát thì "thiếc tặc" vẫn tiếp tục lộng hành với thủ đoạn tinh vi hơn. Trong những lần ra quân truy kích, lực lượng chức năng TP Đà Lạt đã phải đối mặt với rất nhiều thủ đoạn nhằm qua mặt của những đối tượng khai thác thiếc trái phép. “Công nghệ” địa đạo đã được những toán đào sái lậu chuyển sâu xuống lòng đất hàng chục mét để tận thu thiếc. Giá sái thiếc có lúc lên đến 300.000 đồng/kg là sức hút khiến những kẻ liều lĩnh ngày càng manh động hơn.
Trong hàng km địa đạo được phát hiện và đánh sập ở những lần truy kích vừa qua, có những đường hầm dài gần 150 m và nằm sâu hơn 10 m dưới lòng đất. Khối lượng cây thông bị đốn hạ làm kè chống hầm không thể thống kê nổi. Ngoài chuyện ngụy trang tinh vi, "thiếc tặc" còn đổ cả thuốc trừ sâu và phóng uế vào đầu đường địa đạo để ngăn chặn lực lượng chức năng xâm nhập. Ông Phạm Đình Long, chỉ huy quân sự phường 8, TP Đà Lạt, cho biết trong nhiều lần truy kích, người của đoàn kiểm tra còn bị các đối tượng nhắn tin đe dọa.
Manh động, liều lĩnh
Đó là những điều mà ông Phan Khắc Cử, Phó Giám đốc Khu Du lịch Thung lũng Tình yêu, cho biết khi nói về lực lượng "thiếc tặc" tồn tại từ hàng chục năm nay tại danh thắng này. Nhiều người dân có ki-ốt kinh doanh ở Khu Du lịch Thung lũng Tình yêu cũng đặt vấn đề với chúng tôi: “Phải có sự tiếp tay của lực lượng nào đó thì "thiếc tặc" mới tồn tại ở Khu Du lịch Thung lũng Tình yêu lâu như vậy”. Chúng tôi chưa kết luận gì về nhận định này nhưng sự liều lĩnh, manh động của bọn "thiếc tặc" thì không còn hoài nghi.
Theo ông Phan Tấn Quốc, Giám đốc Khu Du lịch Thung lũng Tình yêu, gần hai năm trước, bảo vệ của khu du lịch và Công an TP Đà Lạt bất ngờ tấn công một tụ điểm khai thác thiếc trong đêm. Vì lực lượng mỏng và chênh lệch với đội quân "thiếc tặc" nên một chiến sĩ công an đã bị bọn chúng dùng súng hoa cải tấn công và bắt nhốt vào một lán trại. Mặc dù bảo vệ của khu du lịch lên tới 14 người nhưng không ai dám đi tuần tra tại khu vực hoạt động của bọn "thiếc tặc". Một bảo vệ của khu du lịch đã từng bị bọn "thiếc tặc" hăm dọa: “Mày ngồi yên cảnh giới cho tụi tao làm thì sẽ được trả tiền công. Đừng bén mảng đến gần mà mang họa”.
Trong đợt truy kích ngày 6-8 vừa qua, lực lượng chức năng đã thu giữ 36 bao sái thiếc với trọng lượng hơn 5 tấn. Tính bình quân giá bán 300.000 đồng/kg, nếu số lượng sái thiếc này được đưa ra thị trường tiêu thụ thì nhà nước đã thất thoát một số tiền rất lớn.
Bảo vệ Khu Du lịch Thung lũng Tình yêu chùn tay, còn cơ quan chức năng thì phần lớn chỉ xử lý “vuốt đuôi” khi "thiếc tặc" đã khai thác một thời gian dài. Vì vậy, dư luận ở TP Đà Lạt hoài nghi về việc có sự bảo kê cho "thiếc tặc" lộng hành ở Khu Du lịch Thung lũng Tình yêu không phải là thiếu cơ sở.
Ông Phan Tấn Quốc cho biết chiều 8-8, lực lượng chức năng của TP Đà Lạt đã phát hiện một lán rộng hơn 30 m2 với hơn 20 "thiếc tặc" đang hoạt động. Địa điểm này nằm sâu trong rừng, giáp ranh giữa Khu Du lịch Thung lũng Tình yêu và Công ty Thùy Dương. |
Bình luận (0)