Vị trí và dự báo đường đi của bão số 10. Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 16 giờ ngày 28-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 113,9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 170 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, sau đó có khả năng đổi hướng theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và còn có khả năng mạnh thêm.
Đến 16 giờ ngày 29-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 111,9 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km.
Đến 16 giờ ngày 30-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.
Ảnh mây vệ tinh bão số 10 lúc 16 giờ chiều 28-10. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội.
Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi từ chiều mai (29-9) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội.
Vùng biển vịnh Bắc Bộ từ sáng sớm 30-9 có gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Từ trưa 30-9, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 6 – 7, vùng gần tâm bão cấp 10 - 12, giật cấp 13, cấp 14.
Ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ từ đêm mai có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triền cao 3 - 4 m.
Dự báo mới nhất về vị trí, hướng di chuyển, phạm vi ảnh hưởng và ảnh mây vệ tinh của bão Wutip (tên quốc tế của bão số 10). Nguồn: Trang dự báo của Hải Quân Mỹ
Trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm của cơn bão số 10, sáng nay (28-9), Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã ban hành công điện hoả tốc số 70/CĐ-TW gửi các tỉnh từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên-Huế.
Theo công điện, nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng Thuỷ văn Trung ương, đường đi của bão sẽ còn diễn biến hết sức phức tạp, tuy nhiên bão số 10 sẽ gây mưa lớn từ các tỉnh từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên - Huế.
Công điện yêu cầu các tỉnh nghiêm túc triển khai đúng theo tinh thần của công điện số 69/CĐ-TW ngày 27-9.
Ngoài ra, tuỳ theo diễn biến của bão, các tỉnh chủ động cấm biển.
Các tỉnh chỉ đạo việc thu hoạch ngay các trà lúa đã chín để tránh thiệt hại; đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.
Mưa lớn và hồ thủy điện xả nước, cảnh báo lũ trên sông Srêpốk Đêm qua và sáng sớm 28-9, trên lưu vực sông Srêpốk đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Do mưa lớn và xả lũ của các hồ thủy điện, mực nước hạ lưu trên sông Srêpốk đang lên rất nhanh. Mực nước lúc 10 giờ sáng nay tại một số trạm như sau: Trạm Cầu: 300,55m, ở mức báo động 1; Trạm Bản Đôn: 175,39m, dưới báo động 3: 0,11m; Dự báo mực nước hạ lưu trên sông Srêpốk tiếp tục lên nhanh. Với điều kiện xả nước như thông báo của các nhà máy thủy điện, trưa chiều nay 28-9, mực nước hạ lưu sông Srêpốk tại Cầu 14 có khả năng đạt đỉnh ở mức: 300,7 m, trên báo động 1: 0,2 m; tại Bản Đôn ở mức: 175,9m, trên báo động 3: 0,9m. Sau đó còn tiếp tục dao động ở mức cao. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, cần đề phòng sạt lở đất vùng núi và ngập úng vùng trũng, đồng bằng hạ lưu sông Srêpốk.
|
Bình luận (0)