Trưa nay 29-9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn để chỉ đạo đối phó với bão số 10. Phó Thủ tướng cho biết đây là cơn bão mạnh nhất kể từ năm 2006 đến nay. Cơn bão này có đường đi khó lường và cực kỳ nguy hiểm.
Trước diễn biến nguy hiểm của cơn bão số 10, dự kiến đổ bộ vào các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, 2 đoàn công tác do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát - Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương dẫn đầu sẽ vào các tỉnh miền Trung để kiểm tra công tác chuẩn bị cũng như chỉ đạo công tác ứng phó với bão.
Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương Bùi Minh Tăng cho biết đến sáng mai 30-9, bão số 10 sẽ cách bờ biển Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế khoảng 100 km. Tâm bão khả năng sẽ đổ bộ vào 2 tỉnh là Quảng Trị và Quảng Bình, tuy nhiên các tỉnh Thừa Thiên - Huế và Hà Tĩnh cũng phải đề phòng do bão diễn biến phức tạp.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu các tỉnh, thành phố trong vùng ảnh hưởng của bão cần thực hiện nghiêm các công điện của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn. Các địa phương khu vực Bắc Bộ không được chủ quan, lơ là trong ứng phó bão.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện việc cấm người, phương tiện đi qua các khu vực ngầm, tràn; cử lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ trực tại các ngầm, tràn để hướng dẫn đi lại. Phải làm kiên quyết, tránh những thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản.
Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị - nơi dự báo tâm bão đổ bộ - thực hiện cấm biển vào sáng 30-9. Những vùng ngoài vùng nguy hiểm từ Quảng Ngãi đến Quảng Ninh trên tình hình thực tế thực hiện cấm biển cho phù hợp, không để người trên tàu, thuyền và các lồng bè nuôi trồng thủy sản khi bão vào.
Đặc biệt, các tỉnh khu vực miền núi phải rà soát các khu vực nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm trước 10 giờ sáng mai. Huy động lực lượng ứng trực sẵn sàng ứng phó khi tình huống xấu xảy ra.
Tính đến 6 giờ sáng nay, lực lượng biên phòng tuyến biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 49.877phương tiện với 254.660 người biết diễn biến của cơn bão để chủ động ứng phó. Trong đó, 14 phương tiện với 97 lao động của tỉnh Quảng Nam đã di chuyển ra khỏi khu vực quần đảo Hoàng Sa, tìm nơi trú tránh an toàn.
Lực lượng Bộ đội biên phòng đã bắn pháo hiệu, kêu gọi các tàu thuyền di dời ra khỏi vùng nguy hiểm. Hiện đang tập trung chỉ đạo các lực lượng tham mưu cho UBND các tỉnh thực hiện lệnh cấm biển, rà soát các nơi sơ tán dân để chủ động di dời khi cần thiết. Bến bãi tàu thuyền neo đậu cử lực lượng xuống chằng néo, tránh tàu thuyền bị chìm.
Trước diễn biến của bão số 10, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đề nghị Chính phủ có công điện khẩn gửi và chỉ đạo các địa phương chuẩn bị đối phó với bão. Đồng thời đề nghị các tỉnh khu vực bão đổ bộ xem xét để cho học sinh nghỉ học vào 2 ngày 30-9 và 1-10.
Bão số 10 áp sát, liên tục tăng cấp, giật cấp 16, 17
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thuỷ văn Trung ương, vào 13 giờ chiều nay 29-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,7 độ vĩ Bắc; 111,7 độ kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 – 20 km và còn có khả năng mạnh thêm.
Đến 1 giờ ngày 30-9, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Quảng Bình - Thừa Thiên Huế khoảng 200 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 – 20 km.
Đến 13 giờ ngày 30-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ vĩ Bắc; 107,6 độ kinh Đông, ngay trên vùng ven biển các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Sau đó, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển về phía Tây rồi suy yếu thành một vùng áp thấp.
Đến 13 giờ ngày 1-10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 18,0 độ vĩ Bắc; 101,7 độ kinh Đông, trên đất liền khu vực phía Bắc Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội.
Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi gió sẽ mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội.
Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội.
Từ sáng mai (30-9), các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 7 - 8, riêng khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật cấp 14, cấp 15.
Ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ từ đêm nay có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Đà Nẵng đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 - 4 mét.
Bình luận (0)