Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn trung ương, tính đến 7 giờ sáng 7-10, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc - 121,7 độ Kinh Đông, trên khu vực đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 - 74 km/h), giật cấp 9, cấp 10.
Sau khi đổ bộ đảo Luzon, bão số 10 sẽ vào biển Đông một lần nữa
(Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn trung ương)
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 10 di chuyển chậm theo hướng Nam Đông Nam, mỗi giờ đi được khoảng 3 - 5 km. Đến 7 giờ ngày 8-10, vị trí tâm bão vào khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc - 122,2 độ Kinh Đông, vẫn còn trên khu vực phía Đông đảo Luzon. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 - 74 km/h), giật cấp 9, cấp 10.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 10 tiếp tục đổi hướng, một lần nữa di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5 km. Đến 7 giờ ngày 9-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc - 121,1 độ Kinh Đông, trên khu vực đảo Luzon. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 - 74 km/h), giật cấp 9, cấp 10.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão số 10 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc để vào biển Đông một lần nữa, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Đến 7 giờ ngày 10-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc - 118,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa 690 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 - 74 km/h), giật cấp 9, cấp 10.
Tropical Storm Risk cũng dự đoán bão số 10 vào biển Đông
Như vậy, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn trung ương, bão số 10 sẽ quay trở lại biển Đông sau một thời gian đổ bộ lên đảo Luzon. Hướng dự báo này tương đồng với Cơ quan khí tượng Nhật Bản, Hongkong, Hải quân Mỹ và một số trang web dự báo bão khác.
Trong khi đó, dù đã đổ bộ lên Nhật Bản đêm qua, nhưng siêu bão Melor vẫn còn ảnh hưởng đối với đường đi của bão số 10. Hồi 7 giờ ngày 7-10, Melor có vị trí vào khoảng 28,2 độ Vĩ Bắc - 131,5 độ Kinh Đông, cường độ mạnh cấp 14.
Siêu bão Melor vẫn còn ảnh hưởng bão số 10 (Nguồn: Cơ quan khí tượng Nhật Bản)
Bão số 10 (Parma) được hình thành từ ngày 28-9 và nhanh chóng mạnh lên cấp 17. Ngày 3-10, Parma tràn qua đảo Luzon rồi đi vào biển Đông trưa 4-10 và giảm xuống cấp 11-12. Hôm nay đã là ngày tồn tại thứ 10 của Parma trong khi vòng đời trung bình của một cơn bão là 10-15 ngày.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc biển Đông có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh.
Hướng đi "nhảy múa" của bão số 10 trong 10 ngày qua (Nguồn: Cơ quan khí tượng Nhật Bản)
Bình luận (0)