Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, chiều tối 12-9, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành cơn bão số 4 trên biển Đông.
Cứu nhiều tàu thuyền gặp nạn
Ở các địa phương từ Đà Nẵng đến Phú Yên đã có mưa với lượng phổ biến 100-150 mm, một số nơi mưa rất to như: Tiên Sa (Đà Nẵng); Tam Kỳ (Quảng Nam); An Chỉ, Sông Vệ (Quảng Ngãi); Hoài Nhơn, Bồng Sơn (Bình Định)… Các địa phương từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa giông, lốc kèm gió giật mạnh.
Đến 4 giờ ngày 13-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,5 độ vĩ Bắc - 109,9 độ kinh Đông, ngay trên vùng ven biển Thừa Thiên - Huế, Bình Định. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9-11. Do ảnh hưởng bão, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Trị đến Bình Định, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua (Đà Nẵng - Quảng Ngãi, bao gồm cả Cù Lao Chàm và huyện đảo Lý Sơn) cấp 8, giật cấp 9-11; biển động mạnh.
Trong 9 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km, vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 22 giờ 30 phút ngày 12-9, tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, mưa to vẫn liên tục đổ xuống khiến nhiều tuyến đường bị ngập cục bộ nhưng trời vẫn khá yên ắng. Ở TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, một số người dân cho biết gió bắt đầu mạnh lên từ 22 giờ trong khi mưa vẫn liên tục trút xuống. Một số tuyến đường ở Hội An như Trần Phú, Phan Chu Trinh bị ngập kéo dài khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, từ 22 giờ, tại Đà Nẵng, gió bắt đầu nổi lên kèm theo mưa lớn kéo dài liên tục khiến nhiều tuyến đường trong nội thị ngập chìm trong nước. Theo một số người dân sống dọc ven biển đường Nguyễn Tất Thành và ven biển quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, mưa lớn kèm theo gió mạnh khiến nhiều mái che của người dân bị tốc mái. Đặc biệt, một số quán nhậu dọc ven biển do xây dựng tạm bợ, chủ yếu phục vụ trong mùa nắng nên cũng bị tốc mái.
Theo ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, lực lượng chức năng vừa cứu hộ thành công 3 thuyền viên trên tàu QNG0279 thuộc Công ty Mạnh Cường, bị chìm cách mũi Chân Mây Đông (huyện Phú Lộc) 500 m. Hiện nay, tất cả các phương tiện của tỉnh đã vào bờ neo đậu tránh trú an toàn.
Ông Đỗ Văn Đính, Giám đốc Công ty TNHH nhà nước một thành viên Quản lý và Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho hay các hồ thủy lợi đang tháo cạn để đối phó với lũ. Các công trình đập vùng hạ du như Thảo Long, Cửa Lác, Cống Quan và các cống qua đê được vận hành mở các cửa để thoát lũ, bảo vệ sản xuất.
Trong lúc tránh bão, chiều 12-9, 2 tàu cá của ngư dân Nguyễn Ca và Phạm Văn Hùng (cùng ngụ xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) vào cửa biển Cửa Đại thì bị mắc cạn, sau đó bị sóng lớn đánh chìm. Tổng giá trị 2 tàu cá khoảng 1,5 tỉ đồng, 6 thuyền viên trên tàu may mắn được cứu kịp thời.
Dừng các cuộc họp không cần thiết
Nhằm đối phó diễn biến phức tạp của bão, các tỉnh miền Trung đã chủ động triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Trong chiều 12-9, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã họp khẩn cấp, yêu cầu các sở - ngành, quận - huyện tạm dừng tất cả các cuộc họp chưa cần thiết, tập trung triển khai các biện pháp ứng phó với bão. Tuyệt đối nghiêm cấm tất cả các tàu thuyền xuất bến ra biển, kể cả tuyến vận tải hành khách Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã có công văn chỉ đạo các trường cho học sinh nghỉ học vào ngày 13-9. Đồng thời, hạn chế học sinh đi lại trong thời gian trước, trong và sau bão để bảo đảm an toàn tính mạng.
Chiều tối cùng ngày, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai - đã chủ trì cuộc họp khẩn trực tuyến với 13 tỉnh, thành phố ven biển từ Nghệ An đến Bình Thuận để triển khai gấp các biện pháp phòng chống bão số 4.
“Trước hết, phải bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, cả trên biển và đất liền. Các địa phương ven biển phải tiến hành cấm biển” - ông Cường nhấn mạnh.
Ông Cường cũng cho biết sau khi bão đổ bộ, các địa phương ven biển từ Quảng Trị đến Bình Định và Gia Lai, Kon Tum sẽ có mưa lớn, xuất hiện lũ với mức độ khác nhau. Vì vậy, các địa phương cần rà soát phương án phòng chống mưa, lũ. Rút kinh nghiệm các cơn bão đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, trong lúc mưa lũ, tuyệt đối không để người dân đi qua vùng nguy hiểm; cảnh báo người dân không được vớt củi trên sông, suối.
Cá chết hàng loạt
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo tình hình cá chết hàng loạt tại vùng biển Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia từ ngày 5 đến 8-9. Số lượng cá chết vào khoảng 3 tạ. Cùng ngày 8-9, cá nuôi lồng ở xã đảo Nghi Sơn cũng chết bất thường với số lượng hơn 47 tấn. Sau khi kiểm tra và đưa mẫu nước đi phân tích, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa xác định nguyên nhân do hiện tượng tảo nở hoa (thủy triều đỏ).
Bình luận (0)