Ông Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, chủ trì cuộc họp - Ảnh: Văn Duẩn
Chiều 12-9, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã họp trực tuyến với 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển từ Nghệ An đến Bình Thuận, để ứng phó với bão số 4, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, chiều tối nay 12-9, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 trên Biển Đông trong năm 2016.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, cho biết dự kiến rạng sáng 13-9 bão sẽ đổ bộ vào đất liền, trọng tâm là từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão kết hợp với đới gió đông bắc, ở các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên đã có mưa với lượng mưa phổ biến 50-100 mm, một số có mưa rất to như: An Chỉ (Quảng Ngãi) 200 mm; Sông Vệ (Quảng Ngãi) 190 mm; Hoài Ân (Bình Định) 170 mm; Bồng Sơn (Bình Định) 230 mm;…Tại đảo Lý Sơn đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã có mưa dông, lốc kèm gió giật mạnh.
Hồi 18 giờ ngày 12-9, vị trí tâm bão số 4 ở vào khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Nam-Bình Định khoảng 160 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 9-11.
Dự báo trong 6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 24 giờ ngày 12-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 109,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển Quảng Nam-Bình Định. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 9-11.
Do ảnh hưởng bão, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua (Đà Nẵng-Quảng Ngãi) cấp 8, giật cấp 9-11; sóng biển cao 3-4 m, biển động mạnh. Từ đêm nay, vùng ven biển các tỉnh Quảng Bình-Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 7-8, giật cấp 9-10.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với đới gió đông bắc nên khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có khả năng cao xảy ra mưa dông kèm lốc xoáy và gió giật mạnh.
Ngoài ra, từ hôm nay 12-9 đến khoảng ngày 14-9, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận-Cà Mau liên tục có mưa dông và gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9, sóng biển cao từ 2-3 m, biển động.
Vị trí và dự báo đường đi của bão số 4-Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương
Do ảnh hưởng của bão, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định và Bắc Tây Nguyên từ ngày 12-9 đến ngày 14-9 có mưa vừa, mưa to đến rất to (phổ biến 100-200 mm). Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa, khu vực Nam Bộ và Nam Tây Nguyên có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to (50-100 mm) kèm gió giật mạnh.
Chỉ đạo cuộc họp, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương cần chủ động lên các phương án ứng phó bão số 4, thực hiện nghiêm các công điện của ban chỉ đạo. Theo đó phải đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa cần chủ động đảm bảo an toàn tính mạng cho các ngư dân, lao động trên tàu thuyền. Khu vực nguy hiểm được xác định từ Bắc Vĩ tuyến 12 đến Nam Vĩ tuyến 18.
"Các tỉnh cần tuyệt đối cấm biển không cho tàu thuyềnhoạt động. Sẽ có mưa lớn từ Quảng Trị đến Bình Định và 2 tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai và Kon Tum, vì vậy phải đặc biệt đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, tuyệt đối không để người dân đi qua vùng nguy hiểm"- ông Cường yêu cầu.
Dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 13 giờ ngày 12-9, Biên phòng các tỉnh, Thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, đã thông báo, hướng dẫn cho tổng số 68.975 tàu với 301.847 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 4 để chủ động phòng tránh. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết lượng tàu thuyền trên biển còn nhiều, vì vậy các địa phương phải quyết liệt hướng dẫn ngư dân thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Cần hết sức lưu ý vì bão sẽ gây mưa lớn và có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để tránh thiệt hại về người và tài sản.
Tại TP Đà Nẵng, chiều 12-9, UBND TP đã họp với các ngành, địa phương để tập trung vào công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới. TP đã cấm tàu thuyền hoạt động trên sông, biển. Học sinh nghỉ học từ ngày 13-9. Tại Quảng Nam, ngày 11-9 tỉnh cũng đã ra lệnh cấm du khách đi ra Cù lao Chàm.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, chiều 12-9, UBND tỉnh đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để ứng phó. Tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để triển khai các phương án phòng chống áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão. Tỉnh cũng đã ra lệnh cấm biển cũng như cấm các tàu du lịch hoạt động. Trước hết đảm bảo an toàn cho ngư dân, từ Khánh Hoà – Quảng bình vĩ tuyến 12-18, tuy nhiên vẫn còn trên 450 tàu với trên 3.000 lao động. Các địa phương phải thông báo di dời khỏi vùng nguy hiểm.
Bình luận (0)