Hồi 7 giờ ngày 28-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,4 độ vĩ Bắc - 107,4 độ kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Nam Định – Nghệ An khoảng 130 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 -149 km/h), giật cấp 14, cấp 15.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km. Đến 19 giờ ngày 28-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,9 độ vĩ Bắc - 106,0 độ kinh Đông, ngay sát bờ biển các tỉnh Thái Bình – Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 - 133 km/h), giật cấp 13, cấp 14.
Dự kiến bão sẽ đổ bộ trên khu vực các tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ chiều 28-10.
Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng và thủy văn trung ương
Mắt bão số 8 rõ nét trên ảnh mây vệ tinh. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng và thủy văn trung ương
1 ngư dân mất tích
Trưa 27-10, trên đường vào bờ tránh bão, tàu cá do ông Võ Văn Hường (ở xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An) làm thuyền trưởng chở theo 8 ngư dân gặp sóng lớn, anh Hoàng Văn Đông, 46 tuổi, bị quật rơi xuống biển mất tích. Đến tối cùng ngày, vẫn chưa tìm thấy anh Đông. |
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Bắc Tây Bắc và Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đi vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 7 giờ ngày 29-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,7 độ vĩ Bắc - 105,9 độ kinh Đông, trên khu vực các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 - 49 km/h), giật cấp 7.
Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi Đông Bắc Bắc Bộ.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Nam vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội. Khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội. Ở các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ có gió giật cấp 6, cấp 7.
Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã có mưa vừa, mưa to đến rất to với tổng lượng mưa từ 50 – 100 mm; một số nơi có mưa lớn hơn như: Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh) 130 mm, Mai Hóa (Quảng Bình) 113 mm, Tà Rụt (Quảng Trị) 144 mm, Tà Lương (Thừa Thiên-Huế) 196 mm, A Lưới (Thừa Thiên-Huế) 136 mm… Ngoài ra do ảnh hưởng của bão kết hợp với thủy triều khu vực từ Thái Bình – Thanh Hóa có nước biển dâng cao từ 3 – 4m.
Tàu thuyền neo đậu trú bão ở âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng). Ảnh: Tr.Thường
Người dân Đà Nẵng gia cố, buộc lại tàu thuyền ứng phó bão số 8. Ảnh: Tr.Thường
Mực nước các sông ở Thừa Thiên - Huế và Quảng Ngãi đang lên, các sông khác ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên biến đổi chậm.
Di dời hàng vạn dân trong đêm
Theo tin Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương, tính đến 6 giờ 30 ngày 28-10, hàng vạn người dân các tỉnh Bắc Bộ và miền Trung như Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... đã được chính quyền địa phương di dời đến nơi an toàn để phòng tránh bão Sơn Tinh (bão số 8).
Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa - Vũng Tàu đã thông báo hướng dẫn, sắp xếp neo đậu cho 56.892 tàu/261.797 người và 1.796 lồng, bè, chòi canh/3.540 người phòng tránh bão.
Được dự báo là nằm chính tâm bão, tỉnh Thanh Hóa đã kêu gọi toàn bộ tàu, thuyền vào neo đậu tại bến. Đến 6 giờ ngày 28-10 đã sơ tán được 1.600 người tại các khu vực thấp trũng ven biển; dự kiến sẽ tổ chức sơ tán dân sinh sống cách mép nước 200 m ở 6 huyện ven biển vào sáng 28-10 với tổng số 12.125 hộ/53.000 người.
Tỉnh Nghệ An cũng bố trí toàn bộ tàu, thuyền đã vào nơi tránh trú. Tính đến 1 giờ sáng nay đã tổ chức sơ tán 1.993 hộ/8.970 người đến nơi an toàn. Trường hợp mưa bão diễn biến phức tạp sẽ tiếp tục sơ tán 16.030 người.
Chằng lại nhà cửa sẵn sàng đón bão ở Thanh Hóa. Ảnh: T.Minh
Sơ tán hàng ngàn người dân ở Thanh Hóa sáng 28-10. Ảnh: T.Minh
Ngư dân xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương - Thanh Hóa đang di dời bè mảng vào khu vực an toàn. Ảnh: T.Minh
Hàng ngàn tàu thuyền đã được đưa vào nơi trú ẩn an toàn ở cửa biển Lạch Bạng Thanh Hóa. Ảnh: T.Minh
Để chủ động đối phó với bão số 8, Bộ NN-PTNT tiếp tục cử 2 đoàn công tác phối hợp với các tỉnh/thành phố: Hà Tĩnh, Nghệ An, Hải Dương, Hải Phòng để chỉ đạo việc thu hoạch lúa mùa, đảm bảo an toàn hồ đập…
Tại Quảng Ninh, UBND tỉnh đã cấm biển từ 15 giờ ngày 27-10, toàn bộ 1.260 tàu đã neo đậu tại bến, trong đó có 160 tàu đánh bắt xa bờ và 1.100 tàu đánh bắt ven bờ. Còn tại Hải Phòng, 4.020 tàu thuyền và lồng bè nuôi trồng thủy sản/13.270 người đã được neo đậu chống bão.
Cũng dự báo gần tâm bão, tỉnh Nam Định cấm biển từ 17 giờ ngày 27-10. Toàn bộ 2.077 tàu đã vào nơi neo đậu và 1.081 hộ/4.717 người ở ngoài đê biển và đê cửa sông đã có lệnh sơ tán. Đến 5 giờ ngày 28-10 đã sơ tán được 1.900 người, số còn lại tại các chòi canh hải sản và ở các khu nghỉ mát sẽ di dời sáng 28-10.
Bình luận (0)