Ảnh hưởng hoàng lưu bão số 4, rạng sáng 30-11, vùng miền núi giáp ranh 3 tỉnh Phú Yên, Gia Lai, Bình Định có mưa rất to, nhiều nơi lượng mưa đo được trên 200 mm, nước từ thượng nguồn ầm ầm đổ về sông Kỳ Lộ.
Đến 4 giờ cùng ngày, nước lũ đã tràn qua đập thủy điện La Hiêng 2 (xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) không chỉ đe dọa sự an toàn của nhà máy thủy điện đang tích nước này mà còn uy hiếp hàng ngàn hộ dân sống 2 bên sông Kỳ Lộ.
“Sau bão, mưa lớn gây lũ nguy hiểm đã xảy ra” - ông Võ Cao Phi, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết. Nước lũ lên nhanh đã làm ít nhất 4 đoạn bờ sông Kỳ Lộ (phần qua huyện Đồng Xuân) bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài gần 1.000 m, uy hiếp nhiều hộ dân. UBND huyện Đồng Xuân đã phải di dời khẩn cấp 360 hộ với hơn 900 nhân khẩu trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
“Nhớ lại trận lũ năm 2009 đã xóa sạch xóm Trường khiếp quá. Thôi thì lo cuốn nhà đi cho sớm” - ông Trần Văn Tân, nhà ở đoạn sông đang bị sạt lở phía dưới Nhà máy Đường KCP, nói.
Nước lũ nhấn chìm cầu La Hai (đường bộ) và nhiều thiết bị của đơn vị xây cầu mới bên cạnh Ảnh: Hồng Ánh
Nước lũ lên nhanh còn cuốn trôi, nhấn chìm nhiều cây cầu, tuyến đường của huyện Đồng Xuân, địa phương bị thiệt hại nặng nhất của tỉnh Phú Yên trong cơn bão số 4. Cầu Soi Dâu nằm trên tuyến ĐT 644 nối 2 xã Xuân Lãnh và Đa Lộc bị cuốn trôi hoàn toàn.
Trong khi đó, trên tuyến ĐT 647 nối trung tâm huyện với các xã Xuân Quang 1, Phú Mỡ, 2 cầu Cây Sung và Sông Cô đã bị nước nhấn chìm hơn 1 m. Ngập nặng nhất là cầu La Hai trên tuyến ĐT 641 (con đường quan trọng nối huyện Đồng Xuân với các huyện khác trong tỉnh) đã bị ngập sâu gần 2 m. Tại cầu La Hai, nước lũ lên đột ngột đã nhấn chìm 2 xe cẩu của đơn vị thi công cầu La Hai mới (cạnh cầu cũ).
Theo ông Võ Cao Phi, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, hiện huyện này có 4 xã với hơn 2.500 hộ dân bị cô lập hoàn toàn là Đa Lộc, Xuân Quang 1, Phú Mỡ, Xuân Sơn Bắc. Xã Xuân Sơn Nam chỉ xuôi về được đồng bằng, không thể sang thị trấn La Hai của huyện này. Đến chiều 30-11, mực nước trên sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng đạt đỉnh 8,63 m, trên mức báo động II 0,13 m. Thiệt hại do lũ và bão số 4 ở huyện Đồng Xuân ước tính lên trên 2,2 tỉ đồng.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, bão số 4 không gây thiệt hại về người nhưng làm 80 ngôi nhà bị sập hoàn toàn và hư hỏng nặng. Hơn 900 ha lúa, hoa màu và cây công nghiệp bị ngập úng, hơn 21 ha tôm nuôi nội đồng bị mất trắng do mưa lũ. Ước thiệt hại gần 9,5 tỉ đồng.
Bà Đặng Thanh Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết trong những ngày tới, do ảnh hưởng của hoàng lưu bão nên sẽ có mưa to và rất to ở các tỉnh Phú Yên, Gia Lai và Bình Định, có nơi trên 200 mm.
Vùng biển Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa có gió cấp 6, sóng biển cao hơn 2 m. Hiện một bộ phận không khí lạnh đang tràn vào nước ta gây gió mạnh và biển động cấp 6-7. Trong 3 ngày tới, sẽ có có mưa to, có nơi lên đến 300 mm. Sau đó, sẽ có thêm bộ phận không khí lạnh tăng cường gây mưa lớn nên cần đề phòng lũ quét.
Bình Định: Bão gây thiệt hại 50 tỉ đồng
Sau khi bão tan, nước lũ ồ ạt đổ về các sông ở Bình Định. Tại TP Quy Nhơn, đến trưa 30-11, nước lũ đã gây ngập lụt 2 phường Nhơn Bình và Nhơn Phú. Nhiều tuyến đường bê-tông nông thôn tại đây bị ngập sâu gần 1 m. Một số khu dân cư trong vùng trũng, nước lũ đã tràn vào nhà dân.
Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định - cho biết mực nước tại các trạm trên sông trong tỉnh ở mức báo động I-II.
Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, bão số 4 đã làm sập 92 căn nhà và 45 căn bị tốc mái, hư hỏng; 3.983 ha và 340 tấn lúa giống bị hỏng do ngập úng; 70 m đê biển sạt lở… Thiệt hại ước tính lên đến 50 tỉ đồng.
Bình luận (0)