ĐB Nguyễn Thái Học: "Tham nhũng diễn biến phức tạp nhưng điều tra lại giảm"
Sáng nay 8-6, Quốc hội (QH) thảo luận hội trường về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015.
Tham nhũng ngày càng phức tạp nhưng điều tra lại giảm
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thái Học (Phú Yên) bày tỏ công tác tham nhũng là vấn đề cử tri rất quan tâm song chưa hiệu quả như mong muốn. “Vì sao Đảng đánh giá tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp và chúng ta chưa ngăn chặn được nạn này nhưng công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với loại này ngày càng giảm” - ông Học đặt câu hỏi.
Dẫn số liệu báo cáo của Viện trưởng VKSND Tối cao, tội tham nhũng khởi tố giảm 29 vụ, giảm 21,8% so với cùng kỳ, ĐB Học băn khoăn phải chăng chúng ta chưa chọc thủng tấm màn che đậy hành vi tham nhũng để xử lý: "Chúng ta thường nghe nói, Chính phủ phải nghe ý kiến của dân. Vậy Chính phủ lắng nghe điều gì ở đây. Cử tri phản ứng rằng Chính phủ bàn, họp, nói rất hay, ra nghị quyết rất chuẩn nhưng quá trình triển khai thực hiện thì “nói không đi đôi với làm” - ĐB Nguyễn Thái Học nói.
Ông Học cũng dẫn ra những dẫn chứng “nói trúng mà làm không đúng”, đó là việc gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng cho người dân mua nhà sau thời gian dài triển khai chỉ giải ngân được 20%; 16.000 tỉ đồng hỗ trợ đóng mới tàu thuyền cho người dân đánh bắt xa bờ chỉ mới giải ngân và đóng mới xong 2 con tàu ở Bến Tre và Thừa Thiên - Huế. “Cử tri đề nghị nói phải đi đôi với làm, Chính phủ làm như nói thì dân mới tin” - ông Học nói.
Còn ĐB Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) cho biết Chính phủ có Nghị định 67 để tạo nguồn cho ngư dân phát triển nhưng sản xuất của ngư dân còn nhiều khó khăn. Nhất là từ khi Trung Quốc ngang nhiên chiếm đóng các đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, gây khó khăn nhiều cho ngư dân. “Cử tri kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp hữu hiệu để bảo vệ ngư dân một cách tối đa trước sự truy đuổi của Trung Quốc”- ông Phúc đề nghị.
Nợ công chỉ mới “nhốt, xích” lại
ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nhìn nhận điểm nổi bật của tình hình kinh tế - xã hội nước ta từ kỳ họp thứ 8 của QH đến nay là sự phục hồi kinh tế đáng kể, môi trường đầu tư có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo ĐB Nghĩa, sự phục hồi kinh tế hiện nay nhờ “uống thuốc khỏe”, mà chủ yếu là sự ứng phó thụ động tình huống suy thoái xảy ra, chứ chưa vận hành lành mạnh theo một lộ trình với những biện pháp chủ động, đồng bộ. Phục hồi chủ yếu vẫn chỉ là tăng trưởng số lượng, chưa thay đổi chất lượng và sức cạnh tranh.
Đề cập đến nợ xấu, ông Nghĩa nói nợ xấu trong nền kinh tế lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng, đã bị Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) “bắt nhốt” lại. “Nhưng đó mới chỉ là “nhốt” lại, “xích” lại mà thôi. Nợ xấu hầu như vẫn còn nguyên và đang trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Điều quan ngại là chúng ta chưa xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường”- ông Nghĩa bất an. Ông Nghĩa cũng lo ngại theo đà này thì bao giờ chúng ta xử lý hết nợ xấu? Đến bao giờ thì cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp được giải phóng khỏi nợ xấu, để nhanh chóng phá tan được cục máu đông hàng trăm ngàn tỉ đồng để cứu vãn nền kinh tế hiện nay khi mà qua gần 3 năm, VAMC mới bán được 2-3% nợ xấu.
Đề cập nợ công đang tăng ở mức độ cao, 15-20%/năm trong một thập niên gần đây, ông Nghĩa nói tỷ lệ nợ công trên GDP đang mấp mé vạch “đỏ” là 65%. Nhưng nguy hiểm hơn là ở chỗ tỷ lệ giữa nghĩa vụ trả nợ trên thu ngân sách đã vượt ngưỡng 25%, dự kiến đến năm 2015 sẽ chạm mức gần 30%. Đây chính là mối nguy trực tiếp và đáng lo ngại nhất cho nền kinh tế. Vì thế, đây luôn là một trong những vấn đề nóng bỏng nhất trên bàn nghị sự của QH hiện nay.
Bình luận (0)