Hàng ngàn bạn đọc trên cả nước đã bức xúc phản ứng trước những phát biểu của ông Nguyễn Vũ Trung, Phó trưởng Phòng Đánh giá môi trường, tổng hợp, Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) và ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đức Long Gia Lai - chủ đầu tư thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, sau khi Báo Người Lao Động đăng bài về vấn đề này vào ngày 9-11.
Bạn đọc Trần Thị Lành bày tỏ: “Nếu cơ quan thẩm định bỏ qua những nhận định của giới khoa học và lãnh đạo các tỉnh Đồng Nai, TPHCM, Bình Dương... mà quyết định vẫn cho thực hiện dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thì liệu còn uy tín đối với nhân dân?”. Bạn đọc này cũng đề xuất nên xem lại quan điểm và lập trường của một số cán bộ của Bộ Tài nguyên - Môi trường có lợi ích gì không khi quyết bảo vệ dự án. Một bạn đọc khác gay gắt: Cần làm rõ động cơ của những người quyết thực hiện 2 dự án thủy điện này vì họ đã đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của người dân.
Nhiều bạn đọc chỉ rõ: Thủy điện chỉ là “vỏ bọc”. Còn thực tế là phương thức để tiếp cận với một nguồn vốn lớn từ ngân hàng. Một điều quan trọng khác là lợi nhuận rất lớn từ khai thác gỗ khi triển khai dự án này. Đây là rừng nguyên sinh, được bảo vệ nghiêm ngặt, cho nên số lượng gỗ rất lớn. “Báo chí và các cơ quan chức năng hãy đồng loạt vào cuộc, phản ánh cho các đại biểu Quốc hội biết thực trạng nhằm chặn đứng hành vi phá hoại môi trường của nhóm lợi ích làm thủy điện 6 và 6A” - nhiều bạn đọc đề nghị. Một bạn đọc khác cho biết: Đã đến lúc Quốc hội nên ra quyết định dừng hẳn 2 dự án thủy điện trên, đừng để cử tri lo lắng, hoang mang thêm nữa.
Đồng quan điểm trên, bạn đọc Lê An bức xúc: “Chỉ vì cái lợi ích trước mắt mà một số người mang danh nghĩa nhà khoa học đã đứng đối lập với lợi ích của người dân. Ai cũng thấy rõ làm con đập trong lòng vườn quốc gia sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, vậy mà họ bất chấp, cố ủng hộ một nhóm người vì lợi ích cá nhân. Họ vì cái gì?”.
Hậu quả khôn lường Bạn đọc B.G cho biết: Cái gì cũng có giá của nó, làm biến đổi tự nhiên thì sẽ gây ra những hậu quả khôn lường: lũ lụt, hạn hán, môi trường thay đổi... thậm chí động đất như ở Sông Tranh 2. Nước Mỹ đã từng phá bỏ 1 đập thủy điện sau khi gây ra những hậu quả không tốt cho môi trường. Để phát triển nguồn điện, các nước tiên tiến đang phát triển dạng năng lượng tái tạo thân thiện môi trường như: gió, sóng, địa nhiệt... Vậy mà chúng ta lại đi phá rừng , ngăn sông để làm thủy điện. |
Bình luận (0)