Lý do tăng giá được các hãng sữa đưa ra vẫn rất quen thuộc như giá nguyên liệu đầu vào tăng, thay đổi kiểu dáng, mẫu mã, nguyên liệu bột sữa thế giới tăng, chi phí tăng... Nhưng thực tế lại không hẳn vậy. Còn nhớ sau đợt tăng giá sữa hồi đầu năm 2013, vài tháng sau đó, sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới đồng loạt giảm mạnh nhưng gần như không có doanh nghiệp (DN) sữa nào giảm giá.
Một nghịch lý nữa là hiện Việt Nam có hơn 200 DN nhập khẩu sữa nguyên liệu và thành phẩm. Lẽ thông thường, trong môi trường cạnh tranh này, các hãng sữa phải hạ giá để thu hút người tiêu dùng song ngược lại, từ năm 2007, giá sữa vẫn liên tục tăng mà người tiêu dùng cũng không hề có sự lựa chọn nào khác. Điều này lại một lần nữa khẳng định giá sữa đang nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý.
Cuối năm 2013, Bộ Tài chính có thông tư yêu cầu thực hiện nghiêm việc quản lý giá sữa. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá theo quy định hiện hành đối với mặt hàng sữa và sản phẩm sữa thuộc danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi...Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, Thông tư 30 chỉ yêu cầu các DN kê khai giá nhưng lại chưa thể kiểm soát được triệt để giá sữa nhập khẩu hay giá sữa thành phẩm sau sản xuất. DN dễ dàng lách bằng cách kê khai giá cao ngay từ đầu và điều chỉnh giá bán, miễn là mức tăng mỗi lần thấp hơn quy định. Chuyện minh bạch nguồn bột sữa cũng chưa ai quản lý, khi có đến 80% nguyên liệu nhập khẩu là sữa bột. Chưa kể Luật Giá hiện đang cho phép các DN sữa được tăng giá từ 15%-20% và mỗi lần tăng giá phải cách nhau tối thiểu 15 ngày. Như vậy, các DN sữa vẫn thoải mái tăng giá vài lần trong năm, thậm chí 1 tháng tăng 2 lần mà vẫn không sai luật. Người tiêu dùng thì luôn ở thế bị động, bởi dù giá sữa có tăng đến đâu thì vẫn phải mua vì sữa được xem là một trong những thực phẩm thiết yếu cho sự phát triển của trẻ em.
Giá sữa chỉ có thể bình ổn trên cơ sở nghiên cứu và xác định được các yếu tố cấu thành giá và thông qua các tổ chức Việt Nam tại nước ngoài, cũng như liên kết với các nước trên thế giới để truy xuất thông tin, có so sánh giá để có cơ sở đối chiếu với giá DN kê khai. Mặt khác, cần minh bạch trong chi phí quảng cáo, chấn chỉnh tình trạng các hãng sữa nước ngoài quảng cáo “dội bom”, đội chi phí sản phẩm và tạo niềm tin huyễn hoặc trẻ uống sữa cao hơn, thông minh hơn bú sữa mẹ! Hiện tỉ lệ phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ ở Việt Nam ngày càng giảm, tạo áp lực tăng nguồn cầu sữa bột dinh dưỡng khiến giá sữa bán lẻ ở Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới, tỉ lệ nghịch với thu nhập của người Việt Nam.
Bình luận (0)