Ông Đặng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định việc xả lũ là bắt buộc, nếu không sẽ nguy hiểm đến an toàn hồ đập. “Tuy nhiên, xả lũ phải theo đúng quy trình, báo trước cho địa phương để người dân chủ động phòng tránh. UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng luôn giám sát chặt chẽ quy trình xả lũ của các hồ chứa nhằm bảo đảm tính mạng cho người dân vùng hạ lưu” - ông Minh nói.
Tại Bình Định, riêng hồ chứa nước Định Bình, hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh, đã xả xuống hạ du với lưu lượng qua tràn 2.555 m3/giây, đập dâng Văn Phong mở các cửa van để điều tiết nước đón lũ với lưu lượng qua tuyến đập đến 3.408 m3/giây. Vì nước lũ lên quá nhanh khiến nhiều người trở tay không kịp. Tại một số địa phương xuất hiện tin đồn vỡ hồ chứa nước.
Theo ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, do mưa to kéo dài nhiều ngày đã khiến nước từ các nơi chảy về gây ra ngập lụt trên diện rộng chứ chưa có hồ, đập nào bị vỡ. Bình Định có 166 hồ chứa đã đầy nước và qua tràn, hầu hết được xây dựng từ những năm 80-90 của thế kỷ trước, trong đó có 46 hồ chứa nước đang trong tình trạng xuống cấp nặng.
“Hiện các hồ chứa này phần lớn đã bị thẩm thấu nước qua thân và nền đập, hư hỏng nhiều vị trí và nước chảy về hạ lưu. Nếu không khắc phục kịp thời, chắc chắn sẽ xảy ra sự cố nên rất đông lực lượng đang được bố trí túc trực, khẩn trương khắc phục ngay tại hiện trường. Chưa bao giờ người dân Bình Định bị lũ lớn dồn dập, bao vây khắp nơi như thế này” - ông Châu nói.
Tại tỉnh Quảng Nam, trong ngày 15 và 16-12, các thủy điện A Vương, Đăk Mi 4, Sông Bung 4, Sông Tranh 2 liên tục xả lũ với lưu lượng lớn. Về việc vì sao hàng loạt thủy điện xả lũ cùng thời điểm, một lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cho biết do các hồ thủy điện đều đã tích đầy nước nên dù muốn hay không cũng phải xả lũ. Trong khi đó, lượng nước ở thủy điện Sông Bung 4 và Sông Tranh 2 đều đạt đến đỉnh cao trình. Trong đó, thủy điện Sông Bung 4 là 222,5 m còn thủy điện Sông Tranh 2 là 175 m. Lúc 7 giờ ngày 16-12, thủy điện Sông Bung 4 xả lũ với lưu lượng 1.077 m3/giây. Riêng thủy điện Sông Tranh 2 tăng dần lưu lượng điều tiết với mức xả lúc 7 giờ là 3.097 m3/giây.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết trong ngày 16-12, thủy điện sông Hinh và sông Ba Hạ đang xả lũ ở mức 7.700 m3/giây. Dự kiến 2 thủy điện này sẽ tăng lượng xả lũ vì các thủy điện thượng nguồn đều xả với lưu lượng lớn tạo áp lực cho thủy điện cuối nguồn.
Thủy điện An Khê - Kanak (Gia Lai) cũng đã xả lũ ở mức 3.000 m3/giây. Theo ông Võ Lũy, Giám đốc nhà máy, có thể đạt tới điểm đỉnh lũ là 4.800 m3/giây giữ trong khoảng thời gian 1 giờ. Đây là lần đầu tiên thủy điện này xả lũ ở mức kỷ lục như vậy. “Với mức xả lũ lên 4.800 m3/giây, chắc chắn nhiều khu vực tại vùng hạ lưu sông Ba sẽ bị ngập sâu. Chúng tôi đã tăng cường huy động lực lượng, phương tiện sẵn sàng chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất có thể xảy ra” - ông Hồ Văn Diện, Phó Chủ tịch thị xã Ayun Pa, gấp gáp nói.
Bình luận (0)