Lý do cho phép tăng giá, theo như Bộ Tài chính, chẳng khác mấy những lần trước: Giá thế giới bình quân 30 ngày qua tăng dẫn tới giá bán hiện hành thấp hơn giá cơ sở, tức là giá đầu vào của xăng dầu.
Thế nhưng, nếu theo dõi giá xăng dầu giao dịch trên thị trường Singapore, nơi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước lấy để tính giá cơ sở, có thể thấy giá cả không biến động nhiều, có lên, có xuống song bình quân tương đối ổn định. Trong khi đó, giá xăng trong nước lại tăng liên tục 3 lần từ đầu năm đến nay với mức tăng tổng cộng khoảng 690 đồng/lít mà không hề giảm xuống lần nào.
Lần tăng giá xăng mới nhất này diễn ra chỉ hơn 10 ngày sau khi bảng tính giá cơ sở do Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam công bố ngày 9-4 vừa qua cho thấy các doanh nghiệp xăng dầu đang lãi 150 đồng/lít xăng. Trong khi đó, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tính tới hết quý I/2014 có mức dư khá lớn là khoảng 842 tỉ đồng. Nhìn vào mức dư này, người dân kỳ vọng vào việc giảm giá xăng dầu để thực hiện đúng nguyên tắc điều hành cân đối hài hòa lợi ích 3 bên là nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng.
Song thay vì được giảm giá như mong đợi, giá xăng dầu lại bất ngờ tăng khiến ai nấy ngỡ ngàng. Ngay một số chuyên gia, dù rất am hiểu thị trường, quy định của nhà nước cũng không hiểu việc tăng giá này được điều hành trên nguyên tắc, cách thức tính toán thế nào.
Bất ngờ, bức xúc nhất trong đợt tăng giá xăng dầu lần này là các doanh nghiệp vận tải. Vốn đang phải rất nỗ lực điều chỉnh lại giá cước trong bối cảnh xử lý nghiêm xe quá tải, việc tăng giá xăng dầu chẳng khác nào chất thêm “gánh nặng” lên những chiếc xe đang cố gắng hạ tải.
Trong cơ chế thị trường, việc tăng hay giảm giá hàng hóa là chuyện bình thường. Song hiếm có mặt hàng nào gây ra sự băn khoăn, bức xúc cho người tiêu dùng mỗi lần tăng giá như xăng dầu. Bức xúc do giá tăng chỉ một phần, bức xúc lớn nhất là tính minh bạch của giá mặt hàng nhiên liệu thiết yếu với đời sống và sản xuất cũng như lợi ích của người tiêu dùng được đặt ở vị trí nào so lợi ích của doanh nghiệp xăng dầu và nhà nước. Chưa minh bạch được những điểm cốt lõi này, người tiêu dùng sẽ còn tiếp tục đón nhận nhiều cú bất ngờ, bức xúc khác trong tương lai.
Bình luận (0)