Thuyền du lịch trên sông Hương là một sản phẩm đặc trưng thu hút du khách của TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế với mỗi năm phục vụ khoảng 25.000 lượt khách. Tuy nhiên, theo Ban Quản lý Bến xe - Thuyền TP Huế, hiện trên sông Hương có rất nhiều bến thuyền du lịch hoạt động trái phép, thuyền phục vụ không đủ điều kiện.
Tấp nập
Một trong những bến “chui” hoạt động rầm rộ là điểm nằm dưới chân cầu Trường Tiền, cách bến thuyền du lịch Tòa Khâm chừng 150 m.
Vừa đặt chân đến phố đêm Nguyễn Đình Chiểu, dưới chân cầu Trường Tiền vào buổi tối, du khách bắt gặp ngay “cò” P. Bà P. ra sức chèo kéo du khách, trong khi ông D., chồng bà, đang điều khiển chiếc thuyền đơn mang ký hiệu TTH-0081 ra khỏi bến “chui” ở dưới chân cầu Trường Tiền. “Giá 10.000 đồng/người, đi từ cầu Trường Tiền lên di tích Phu Văn Lâu (dài khoảng 400 m-PV). Muốn lên tới cầu Dã Viên, thêm 50.000 đồng/người” - bà P. ra giá. Sau khi có người đồng ý đi, bà P. liền móc điện thoại gọi chồng mình cho thuyền tấp vào bờ đón khách. Ngay lập tức, chiếc thuyền ông D. ghé sát mép sông Hương đoạn dưới chân cầu Trường Tiền rước thêm khách.
Muốn lên được thuyền ông D., du khách phải bước qua lan can phố đi bộ, qua một bãi cỏ. Sau khi “vớt” được một vị khách lên thuyền, bà P. tiếp tục đi tìm khách. Chỉ một lúc, trên thuyền ông D., có khoảng 17 hành khách, trong đó có 2 trẻ em, dù quy định thuyền đơn chỉ chở tối đa 15 người. Lúc thuyền di chuyển, nhiều người ngồi ngay mui thuyền để tiện ngắm cảnh. Sau khi chở khách lên khu vực Phu Văn Lâu, thuyền ông D. quay trở lại trả khách ở chỗ cũ. Ngay lập tức, vợ chồng ông tiếp tục làm công việc đón khách vãn cảnh sông Hương.
Tại bến “chui” này, trong một đêm, chúng tôi ghi nhận khá nhiều thuyền đơn thường xuyên đón, trả khách. Ngoài thuyền ông D. còn có thuyền mang ký hiệu TTH -0006, TTH-0162... Khi chúng tôi hỏi vì sao không đưa thuyền vào bến Tòa Khâm cách đó chừng 150 m để hoạt động theo quy định, một nữ chủ thuyền nói: “Khách đi thuyền ở bến họ thường có tour, tuyến nên chúng tôi vào đó chỉ có đói. Điểm bắt khách ở phố đêm cách bến xa, khách không muốn tới”.
Khó dẹp
Ông Nguyễn Khoa Dũng, Trưởng bộ phận kế hoạch Ban Quản lý Bến xe - Thuyền TP Huế, cho biết đơn vị này đang quản lý 4 bến thuyền du lịch trên sông Hương. Ngoài bến Tòa Khâm còn có bến Thiên Mụ, bến số 5 Lê Lợi và bến Phú Cát.
Theo quy định, thuyền nào chưa đến phiên phục vụ thì phải về neo đậu tại bến Phú Cát. Tuy nhiên, tại khu vực Đập Đá, nằm sát bãi đỗ xe của khách sạn Hương Giang, dù cơ quan chức năng cắm bảng cấm đỗ nhưng có khá nhiều thuyền du lịch đỗ tại đây bất kể ngày đêm. Theo ghi nhận, những thuyền này mang ký hiệu dành cho DNTN Vận chuyển và Du lịch Sông Hương Huế, bến đỗ trái phép này đã tồn tại từ lâu.
Về việc thuyền du lịch đón khách tràn lan, chèo kéo khách, nhất là ở bến chui dưới chân cầu Trường Tiền, ông Dũng khẳng định những thuyền này đều đăng ký hoạt động, còn việc không vào bến là để né thủ tục cấp giấy phép xuất bến. “Trước khi cấp giấy phép xuất bến, chúng tôi phải xem danh sách hành khách, kiểm tra các giấy phép và điều kiện bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, đối với những thuyền hoạt động tại các bến “chui” này thì chúng tôi không thể kiểm soát nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Việc xử lý thuộc trách nhiệm của các lực lượng chức năng, như cảnh sát đường thủy” - ông Dũng nhấn mạnh.
Điều đáng nói là ngay tại bến “chui” dưới chân cầu Trường Tiền có trụ sở của tổ cảnh sát đường thủy Công an TP Huế. Theo quan sát của chúng tôi thì hoạt động đón, trả khách tại đây không bị lực lượng này kiểm tra.
Trung tá Lê Viết Sơn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát đường thủy (PC68) - Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, thừa nhận tình trạng một số thuyền hoạt động du lịch đón, trả khách không đúng nơi quy định, không có giấy phép xuất bến trên sông Hương diễn ra từ lâu. Trong 2 tháng vừa qua, PC68 Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 28 trường hợp với số tiền gần 24 triệu đồng cho các lỗi trên.
Trả lời vì sao không chấn chỉnh được tình trạng bát nháo của thuyền “chui” trên sông Hương, trung tá Sơn nêu lý do: “Nếu thuyền đang ở trong bờ thì chúng tôi chỉ được xử phạt lỗi đậu, đỗ hoặc đón, trả khách không đúng nơi quy định. Còn lỗi không có giấy phép xuất bến thì khi thuyền di chuyển giữa sông mới bị xử phạt. Tuy nhiên, do lực lượng tuần tra mỏng, chi phí cho ca nô tuần tra khá tốn kém nên không làm thường xuyên, khó xử lý vi phạm”.
Tránh bến vì sợ tốn phí
Theo các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc thuyền du lịch trên sông Hương không chịu vào bến mà chấp nhận đón, trả khách “chui” bên ngoài xuất phát từ nhu cầu mưu sinh, phục vụ theo ý khách và để tránh lệ phí xuất bến 20.000 đồng/lượt. Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, Ban Quản lý Bến xe - Thuyền TP Huế sẽ cắm thêm nhiều biển báo cấm đậu đỗ tại những bến tự phát; đồng thời tăng cường phối hợp với lực lượng CSGT đường thủy tuần tra, xử lý, không để tái diễn tình trạng lộn xộn đón khách ảnh hưởng đến hoạt động du lịch Huế.
Bình luận (0)