Ông Hòe đưa ra thông tin: Thủy điện Đồng Nai 3 đã tích nước tới hơn 5 tháng nhưng khu ngập nước Bàu Sấu vẫn tồn tại và nhà khoa học này nhận xét: Thông tin các hồ thủy điện Đồng Nai 6 và 6A làm cạn kiệt Bàu Sấu và thủy điện Trị An là không thực tế, hồ thủy điện cũng không thể là tác nhân gây lụt chính cho Đồng Nai và “thánh địa” Cát Tiên như lời đồn thổi mà ngược lại còn có khả năng góp phần làm tăng dòng chảy sông vào mùa hạn, bảo đảm xả nước lớn hơn mức dòng chảy môi trường vào mùa khô hạn giúp hạn chế tình trạng thiếu nước gay gắt về mùa khô, lâu nay vẫn thường xảy ra.
Trong khi trước đây, trả lời trên Báo Người Lao Động ngày 28-6 cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Hòe lại khẳng định: Do bị chắn bởi các đập thủy điện, việc chỉ có một dòng chảy tối thiểu xuống hạ lưu có thể khiến cho Đồng Nai trở thành con sông chết chứ không phải “ít gián đoạn dòng chảy cho hạ nguồn” như nhận định của Bộ NN-PTNT. Vì vậy, không chỉ hệ sinh thái của Vườn Quốc gia Cát Tiên và rừng phòng hộ bị ảnh hưởng mà cả lưu vực sông Đồng Nai cũng bị ảnh hưởng, thiệt hại lớn thuộc về vùng phát triển kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, nhất là TPHCM. Sau đó, ngày 29-6, trên Báo Nông thôn Ngày nay, nhà khoa học này vẫn cho rằng: 137 ha đất rừng Cát Tiên cắt ra chỉ là diện tích để xây dựng nhà máy, còn diện tích rừng bị mất đi do ngập nước và các nguyên nhân khác có liên quan đến thủy điện còn lớn hơn nhiều, mặt khác phải mất hàng trăm năm mới có được thảm thực vật đa dạng của rừng Cát Tiên…
Cùng một vấn đề, tại sao nhà khoa học này có sự nhận định bất nhất như vậy?
Bình luận (0)