Sáng 6-4, tại buổi giao ban quý I-2016 của Thành ủy, UBND, HĐND TP Hà Nội với các quận, huyện, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết TP Hà Nội đã có văn bản quy định ngày 12-4 là ngày chậm nhất hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri về việc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và ngày 15-4 sẽ tổ chức hiệp thương lần 3, hoàn chỉnh toàn bộ hồ sơ báo cáo với Hội đồng bầu cử Trung ương chậm nhất vào ngày 18-4.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh phát biểu
“Thời gian này căn cứ theo quy định của luật, không thể "sân siu" được. Qua theo dõi, toàn bộ việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND TP hiện nay cơ bản tương đối tốt, tuy nhiên cũng có điểm nội dung đang gợn lên” - ông Khanh nói.
Trong đó, có trường hợp người tự ứng cử có văn bản kiến nghị tập trung vào một số ý: phải thảo luận với họ về thành phần tham gia lấy ý kiến cử tri; được giới thiệu người phát biểu tại các buổi tiếp xúc cử tri, kiến nghị ứng viên được mang theo luật sư, công khai việc kiểm phiếu… tại các buổi tiếp xúc cử tri.
Theo ông Khanh, việc người tự ứng cứ kiến nghị phải thảo luận với họ về thành phần tham gia lấy ý kiến cử tri là nội dung trong quy định của luật cũng như trong hướng dẫn của MTTQ TP đã nêu rất rõ. Tức là phân ra 2 loại địa bàn dân cư. Nếu địa bàn dân cư nào có dưới 100 người tổ chức cử tri toàn thể, nhưng phải trên 50 cử tri tham gia. Nếu địa bàn trên 100 người thì sẽ mời đại diện, nhưng đại diện phải từ 55 người trở lên. “Chiểu theo số lượng này, đây là quy định của luật mà TP đã hướng dẫn, nên kiến nghị của ứng cử viên này không thể giải quyết được, vì luật đang thực thi nên phải thực hiện theo luật” - ông Khanh kết luận.
Về kiến nghị của ứng cử viên đề nghị mang theo luật sư vào tham dự buổi lấy ý kiến cử tri, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP khẳng định: “Theo quy định của luật là thành phần toàn thể và những người có giấy mời. Ai có giấy mời thì chúng ta mời vào, ai không có giấy mời thì không được vào. Còn nếu ai có nhu cầu về thông tin, ngoài một số cơ quan báo chí được mời, thì thông tin ngắn gọn là cuộc tiếp xúc cử tri này có bao nhiêu ứng cử viên, mỗi ứng cử viên đạt tỉ lệ bao nhiêu phần trăm...”.
Ông cũng lưu ý hiệp thương lần thứ 3 là khâu chốt cuối cùng kết thúc vai trò của MTTQ, chuyển danh sách, hồ sơ sang ủy ban bầu cử. Do đó, vừa phải căn ke để vừa không bị hụt, không bị thừa, vừa đảm bảo về tư tưởng. Ủy ban MTTQ TP sẽ có tập huấn, đối thoại để hiệp thương lần 3 được tốt, đúng luật, để lại dư luận xã hội tốt.
Đặc biệt, về vấn đề giải quyết khiếu nại tố cáo, ông Khanh tiếp tục nhấn mạnh phải tập trung thực hiện theo đúng quy định của luật. “Đấy là luật quy định rồi nên chúng ta không thể bỏ bất cứ một đơn thư khiếu nại tố cáo nào về việc này cả. Nếu như chúng ta để lọt, người ta phát hiện, kiến nghị, khiếu nại tiếp thì chúng ta có khuyết điểm” - ông Khanh lưu ý.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cho rằng thời điểm hiệp thương lần thứ 3 là thời điểm nhạy cảm, do đó, các đơn thư nhận được cố gắng kết thúc trước thời điểm này. “Vì hiệp thương lần 3 kết luận rồi, những trường hợp đó vi phạm quy định và quyết định đưa ra khỏi hiệp thương lần 3. Để tồn lại sau hiệp thương lần 3 mới nêu ra là trường hợp này không đủ tiêu chuẩn thì rất ngại. Nếu như hụt số lượng thì phải điều chỉnh một loạt về số lượng đơn vị bầu cử cũng như số lượng đại biểu, danh sách rất phức tạp” - ông Khanh nói và đề nghị cấp ủy tập trung nắm tình hình, phân tích tình hình, xử lý tình hình sớm.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu về một số tồn tại với các ứng viên ĐBQH, đại biểu HĐND như trên, phải xử lý, xác minh xong trước ngày 12-4. Đồng thời, ngày 12-4 cũng là mốc phải niêm yết danh sách cử tri ở các điểm bầu cử.
“Cần phải nắm chắc tình hình, xử lý đúng luật. Kết thúc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, nếu có các trường hợp phát sinh mới không nằm trong hướng dẫn của Ủy ban MTTQ TP thì cần báo cáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xin ý kiến. Chẳng hạn lấy ý kiến cử tri mà ứng viên vắng mặt thì xử lý như thế nào? Lưu ý tại sao họ vắng mặt, phải chuyển giấy mời tận tay, cần thiết phải ký nhận giấy mời, có thời gian chờ khi họ chưa đến buổi tiếp xúc, đã chờ mà họ vẫn không đến thì lập biên bản” - Chủ tịch HĐND TP lưu ý.
Kết luận, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá cuộc bầu cử là sự kiện chính trị quan trọng nhất năm nay. Do đó, toàn TP, từ Bí thư Thành ủy, Ban thường trực Thành ủy, bí thư các quận, huyện, thị, các sở ban ngành phải chịu trách nhiệm để bảo đảm cho cuộc bầu cử này thành công tốt đẹp và bảo đảm thực sự là đợt sinh hoạt chính trị lành mạnh, quan trọng và thành công của Thủ đô.
Bí thư chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ động; thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, an toàn cho công tác bầu cử nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong tầng lớp nhân dân hướng đến ngày bầu cử, để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân, để thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của công dân trong công tác bầu cử.
Bình luận (0)