Ngày 18- 9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có thông báo chính thức diễn biến mới liên quan đến vụ án Nguyễn Đức Kiên.
Theo thông báo của Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Đức Kiên – Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165- Bộ Luật Hình sự.
Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Đức Kiên về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139- Bộ Luật Hình sự. Đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện Lệnh bắt tạm giam đối với: Trần Ngọc Thanh – Giám đốc và Nguyễn Thị Hải Yến – Kế toán trưởng Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội với vai trò đồng phạm.
Các bị can đã được dẫn giải về trại tạm giam Bộ Công an để điều tra làm rõ vụ án.
Trước đó, như Báo Người Lao động đã đưa, ngày 21-8, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an cho biết đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Kiên (SN 1964, Chủ tịch CLB Bóng đá Hà Nội, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp - VPF) về hành vi kinh doanh trái phép theo điều 159 Bộ Luật Hình sự.
Theo cơ quan điều tra, việc khởi tố và bắt tạm giam bị can Nguyễn Đức Kiên chỉ liên quan đến vi phạm của 3 công ty bị tố cáo, gồm: Công ty CP Đầu tư Thương mại B&B, Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội và Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội. Ông Nguyễn Đức Kiên đều đang là Chủ tịch HĐQT của cả 3 công ty này.
Điều 159 Tội kinh doanh trái phép 1. Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm: a) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 160, 161, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm; b) Hàng phạm pháp có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm: a) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; b) Mạo nhận một tổ chức không có thật; c) Hàng phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên; d) Thu lợi bất chính lớn. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.
|
Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm: a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác; b) Có tổ chức; c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác. 3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
|
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
|
Bình luận (0)