Sau hơn 20 phút bay từ sân bay Tuy Hòa, chiếc trực thăng cứu nạn Mi 171-02 do thượng tá Lê Quang Vinh, Đoàn phó Đoàn Không quân C17, Sư đoàn B70 Quân chủng Phòng không – Không quân làm cơ trưởng, hạ dần độ cao. Bên dưới, người dân vùng rốn lũ Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) với vẻ mặt khắc khổ đứng vẫy nón, vẫy tay... đón những bao gạo, thùng mì cứu trợ khẩn cấp...
Đó là chuyến hàng cứu trợ thứ 13 mà chiếc Mi 171-02 mang đến người dân vùng lũ Phú Yên.
Cảnh hoang tàn lộ ra ở huyện Đồng Xuân sau khi lũ rút
Tan hoang, xơ xác
Đã nhiều ngày sau bão, bầu trời Phú Yên vẫn đục ngầu. Mưa rào, gió mạnh thường xuyên xuất hiện. Trong điều kiện thời tiết không thuận lợi như vậy, thượng tá Lê Quang Vinh vẫn khởi động máy. Chiếc Mi 171-02 gầm lên, vòng quay cánh quạt nhanh dần và chiếc máy bay trực thăng nhấc khỏi mặt đất, bay về phía biển Tuy Hòa, trực chỉ phía Tây Bắc tỉnh Phú Yên, nơi hàng ngàn người dân vùng rốn lũ đang bị cô lập, cần được tiếp tế thực phẩm gấp.
Trực thăng Mi 171-04 cứu sống 4 người Ngày 5-11, trên đường bay cứu trợ ở huyện Đồng Xuân trở về, máy bay Mi 171-04 do cơ trưởng Ngô Vi Sơn, cơ phó Hà Quốc Hưng điều khiển nhận được lệnh cứu người. Các anh liền bay đến thôn Yang |
Nước lũ đã rút bớt nhưng đau thương vẫn còn đó, đâu đâu cũng thấy cảnh tan hoang, xơ xác. Những ruộng lúa, rẫy mía, nương bắp ngã rạp dưới lớp đất bùn đỏ quạch. Vô số nhà sập, nhiều nhà bị nát vụn. Gần như không nhận ra đường sá ở Đồng Xuân. Thiếu tướng Nguyễn Kim Cách bộc bạch: “Ngày hôm trước, Đồng Xuân còn đau thương hơn nhiều khi nước còn ngập tứ bề, nhiều vùng dân cư chỉ còn là một chấm mờ trong biển nước.
Nghe tiếng máy bay, người dân tìm đến những mô đất cao, đứng vẫy tay chờ thả hàng cứu trợ. Thậm chí, trong ngày bay đầu tiên hôm 4-11, rất đau xót khi chúng tôi phải chở thêm 25 chiếc quan tài đến xóm Trường của huyện Đồng Xuân, nơi có đến 13 người chết, 5 người mất tích”.
Từ trên cao nhìn xuống đám đất trống lầy lội bùn ở thôn Long Thăng, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, thật xúc động khi thấy hàng trăm người dân vùng lũ vẫy tay, chờ đón những bao gạo, thùng mì cứu trợ. Ông Nguyễn Hữu Tấn, một người dân nơi đây, cho biết: “Đã 4 ngày qua, người dân ở đây không còn thực phẩm để sống vì tất cả bị lũ nhấn chìm. Nếu không có những thùng hàng cứu trợ do máy bay mang đến, không biết chúng tôi chống chọi thế nào...”.
Chỉ trong 3 phút hạ cánh, hơn 1,6 tấn gạo đã được đưa từ máy bay xuống.
Bay trong thời tiết xấu
Thượng tá Ngô Vi Sơn, phi đội trưởng của Đoàn Không quân C17, cơ trưởng chiếc Mi 171-04, kể: “Khi nghe tin bão đổ bộ vào Phú Yên, tôi đã chuẩn bị tinh thần để lên đường đi cứu hộ, cứu nạn. Khuya 3-11, chúng tôi được lệnh đưa máy bay lên đường”.
Để kịp thời cứu hộ, cứu nạn đồng bào vùng bão lũ tỉnh Phú Yên, Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân đã điều 2 máy bay trực thăng Mi 171 và một chiếc Mi 8. Thượng tá Lê Quang Vinh cho biết theo kế hoạch, ngày 3-11, các máy bay này bay thẳng từ Tân Sơn Nhất đến Tuy Hòa. Tuy nhiên, thời tiết quá xấu buộc các máy bay của Đoàn C17 phải hạ cánh xuống sân bay quân sự Thành Sơn (Ninh Thuận), đến sáng 4-11, mới đến được Tuy Hòa.
Thượng tá Nguyễn Văn Khải, Chủ nhiệm bay Đoàn C17, cơ trưởng chiếc Mi 8-7850, bộc bạch: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi bay cứu nạn tại Phú Yên. Khó khăn là có quá nhiều điểm phải cứu trợ mà điểm nào cũng mới mẻ với chúng tôi, địa hình lại hết sức phức tạp, nhiều đồi núi, áp suất không khí biến đổi liên tục. Thêm vào đó, thời tiết những ngày này tại Phú Yên khá xấu, nhiều nơi mới 14 giờ rưỡi đã đầy sương, không nhìn thấy gì”.
Thượng tá Lê Quang Vinh cho biết có một vài chuyến bay phải vất vả lắm mới đưa được hàng cứu trợ đến người dân. Chẳng hạn, trong chuyến bay ngày 4-11 đưa mì gói đến xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, do thời tiết xấu, máy bay chở hàng cứu trợ phải vòng ra khỏi khu vực bãi đáp, bay lòng vòng trên không gần 20 phút mới có thể hạ cánh... Có chuyến phải bay trong sương mù, khá nguy hiểm vì có thể “đụng” phải núi cao...
Nhiệm vụ thời chiến
Cho đến hết ngày 6-11, sau 3 ngày bay cứu trợ, các máy bay trực thăng của Đoàn C17 đã thực hiện hàng chục chuyến đưa hàng đến những nơi bị lũ cô lập của các huyện Đồng Xuân, Tuy An và thị xã Sông Cầu của tỉnh Phú Yên. Theo thượng tá Vũ Đức Quý, những chiếc trực thăng này còn tiếp tục bay cứu trợ đến khi nào tỉnh Phú Yên hết nhu cầu mới dừng.
Những ngày qua, các phi công phải bay liên tục, ăn cơm tại sân bay. Đại tá Bùi Văn Hán (Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân) cho biết: “Theo quy định, sau mỗi chuyến bay, phi công nghỉ 30 phút, máy bay nghỉ 45 phút. Tuy nhiên, những ngày qua, chúng tôi phải thực hiện nhiệm vụ như thời chiến, nghĩa là đặt việc cứu hộ, cứu nạn dân vùng lũ vào tình huống chiến đấu. Bay về, bốc xếp hàng xong là cất cánh ngay”.
Còn thượng tá Lê Quang Vinh thổ lộ: “Tuy vất vả do bay trong thời tiết xấu nhưng phía dưới cánh bay là những mảnh đời đau thương, chúng tôi quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, quên gian lao. Nhìn thấy nụ cười trên môi của những người dân vùng lũ được nhận hàng cứu trợ, đó là lúc chúng tôi hạnh phúc nhất”.
Kiểm tra khắc phục hậu quả bão tại Phú Yên, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh: Đảng, Nhà nước sẽ giúp bà con ổn định cuộc sống Ngày 6-11, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã đến thăm và kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả bão số 11 tại tỉnh Phú Yên. Cùng đi có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.
Nói chuyện với bà con thôn Triêm Đức, Tổng Bí thư thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước chia buồn với những gia đình có người thiệt mạng và chia sẻ những mất mát về tài sản cũng như những khó khăn, thiếu thốn mà bà con trong thôn đang phải gánh chịu.
B.T.D-N.Quyền |
Bình luận (0)