Tròn 20 ngày con gái chào đời khỏe mạnh, vợ chồng anh Nguyễn Tấn Thi và chị Nguyễn Thị Thanh Thúy chưa hết hồi hộp khi kể lại những ngày tháng lo lắng trước khi sinh. Điều đáng ngại nhất là đến tháng thứ 8, chị Thúy được chẩn đoán là có thai nằm ngang, bị nhau quấn cổ và bản thân chị bị u xơ tử cung.
Những giây phút thắt tim
Dù được 2 bác sĩ trên đảo là Nguyễn Ngọc Hà và Hồ Xuân Lãng thăm khám, động viên thường xuyên nhưng anh Thi và chị Thúy vẫn không khỏi lo lắng. Về đất liền hay sinh con trên đảo là câu hỏi trăn trở nhất của anh chị. “Suy nghĩ cả tháng trời trước khi sinh làm tôi sút mấy ký đấy” - chị Thúy tâm sự. “Tôi tin vào trình độ y, bác sĩ trên đảo và mong mỏi con mình được chào đời trên mảnh đất thiêng liêng này” - anh Thi thổ lộ.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà cũng không khỏi băn khoăn. Một cầu truyền hình được nối về Bệnh viện 175 để bảo đảm cho ca sinh mổ tuyệt đối thành công. “Hơn 20 quân dân trên đảo cùng nhóm máu với chị Thúy đã thường trực bên ngoài phòng mổ, sẵn sàng hiến máu cấp cứu” - bác sĩ Hà cho biết. “Tiếng khóc chào đời cất lên lúc 10 giờ 42 phút ngày 4-4 của bé Xuân làm vỡ òa niềm hạnh phúc, niềm vui cũng như trút đi gánh nặng ngàn cân với chúng tôi” - bác sĩ Hà nhớ lại.
Vợ chồng anh Thi quyết định đặt tên con là Nguyễn Ngọc Trường Xuân. “Nguyễn là họ của tôi, Ngọc và Xuân là tên đệm của hai bác sĩ Hà và Lãng như hai người cha cùng sinh ra cháu. Còn Trường là Trường Sa, nơi cháu cất tiếng khóc chào đời” - anh Thi giải thích.
Không chịu thua bệnh tật
Bác sĩ Hà cho biết: thành công của ca mổ đã tạo niềm tin rất lớn với bà con đang sinh sống trên huyện đảo, sự liên lạc, phối hợp nhịp nhàng giữa đảo và đất liền. Ca phẫu thuật cho thấy đội ngũ y, bác sĩ và thiết bị trên huyện đảo có thể đảm đương được các ca phẫu thuật phức tạp.
Một ca phẫu thuật phức tạp khác mà bác sĩ Hà cùng các cộng sự đã thực hiện thành công là trường hợp ngư dân Phan Quốc Trung, 16 tuổi, ngụ tại Phú Yên, đánh cá ở khu vực cách đảo Trường Sa 30 hải lý (hơn 50 km) bị tai nạn làm dập nát bàn tay trái, đoạn cổ tay, đứt động mạch chủ. Nếu đưa về đất liền mất tối thiểu 2 ngày 2 đêm thì Trung chắc chắn sẽ bị cắt cụt cánh tay, chưa kể tính mạng có thể bị đe dọa. Sau nhiều giờ phẫu thuật tỉ mỉ và thận trọng, các y, bác sĩ huyện đảo đã cứu được cánh tay của Trung. Mất cả tháng điều trị trên đảo, Trung đã lại ra khơi đánh cá với đôi bàn tay lành lặn.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà tâm sự: “Ở huyện đảo không có khái niệm chịu thua bệnh tật. Nếu không chữa được thì tính mạng đồng chí, đồng bào thế nào?”. Năm qua, bác sĩ Hà cùng các cộng sự trên huyện đảo đã tiến hành được 7 ca đại phẫu, 2 ca trung phẫu, 89 ca tiểu phẫu và khám chữa bệnh cho hàng ngàn lượt quân dân huyện đảo. Mỗi ca bệnh ở nơi đây là một câu chuyện, là tình cảm đồng chí, nghĩa đồng bào, không đơn thuần như những người bệnh trên đất liền.
Tiếp nối ước mơ Ngồi bên mẹ đưa võng cho em ngủ rất khéo, con gái lớn Nguyễn Thị Minh Nguyệt của anh Thi và chị Thúy, năm nay 7 tuổi, mơ ước sẽ thành bác sĩ để chữa bệnh cho gia đình và người dân trên đảo. “Làm bác sĩ khó lắm phải không chú? Con năm nay mới 7 tuổi, đang học lớp 1. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để thành bác sĩ” - bé Nguyệt vừa nói vừa nhè nhẹ ru giấc ngủ em trên võng. |
Bình luận (0)