Ngày 1-8, Phòng CSGT (PC67) Công an TP Hà Nội triển khai tổng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Ngoài xử phạt vượt đèn vàng, CSGT ở Hà Nội còn xử lý nhiều chủ phương tiện mắc các lỗi khác như: không đội mũ bảo hiểm; xe không gương; xe máy điện không đăng ký; ô tô dừng, đỗ sai quy định.
Sẽ xử lý nghiêm
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động tại ngã tư Điện Biên Phủ - Trần Phú (quận Ba Đình, Hà Nội), nhiều người tham gia giao thông bị CSGT phạt lỗi vượt đèn vàng. Đa số họ nói biết có quy định mới qua truyền thông đại chúng song do quá vội nên cố tình vượt đèn vàng.
Điều khiển ô tô vượt đèn vàng, chị Nguyễn Thị Song Quỳnh (Hà Nội) cho biết không rõ việc người điều khiển phương tiện vượt đèn vàng sẽ bị phạt từ ngày 1-8. Trước đó, đèn vàng vẫn cho vượt nên chị không để ý. Sau khi được CSGT giải thích, chị Quỳnh chấp thuận nộp phạt.
Đại úy Lã Mạnh Điển, cán bộ Đội CSGT số 2 Công an TP Hà Nội, cho biết tổ công tác tại ngã tư Điện Biên Phủ - Trần Phú đã xử phạt ít nhất 10 trường hợp vi phạm, chủ yếu là các hành vi: lưu thông không đúng phần đường, vượt đèn vàng… Theo đại úy Điển, hầu hết người tham gia giao thông đã nắm được việc bị xử phạt vượt đèn vàng như đèn đỏ và ủng hộ việc xử phạt, chấp hành mức phạt.
“Vượt đèn vàng là rất nguy hiểm bởi đa số các đèn tín hiệu nằm ở ngã tư đông người. Khi vượt đèn vàng, người điều khiển phương tiện thường cố vượt với tốc độ cao nên rất dễ xảy ra tai nạn” - đại úy Điển nói và cho biết thêm là CSGT cũng có thể xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền dưới 250.000 đồng trong lĩnh vực giao thông thông qua biên lai xử phạt tại chỗ chứ không cần lập biên bản.
Theo thống kê của Phòng CSGT Hà Nội, đến 14 giờ ngày 1-8, đã kiểm tra, xử lý 566 trường hợp, tạm giữ 24 phương tiện và 122 bộ giấy tờ liên quan. Trong đó, vi phạm về dừng, đỗ sai quy định: 47 trường hợp; không đội mũ bảo hiểm: 519 trường hợp.
Lúng túng hoặc biết nhưng chủ quan
Ở TP HCM, tại vị trí gần giao lộ Nguyễn Đình Chiểu - Lý Thái Tổ (quận 3), trong thời gian gần 2 giờ của sáng cùng ngày, CSGT đã xử phạt 7 trường hợp vi phạm, chủ yếu đi sai phần đường, lấn tuyến. Đại úy Trần Thanh Tâm, Phó Đội trưởng Đội CSGT Bàn Cờ (Công an TP HCM), cho biết do ngày đầu áp dụng nghị định nên một số người dân còn lúng túng hoặc biết nhưng chủ quan. Trong khi đó, tại nút giao thông ngã tư Bình Triệu (quận Thủ Đức), CSGT cũng đứng chốt xử phạt nhiều hành vi vi phạm như đi ngược chiều, chạy không đúng làn đường... Tại các khu vực khác trên địa bàn TP, việc người dân vi phạm không nhiều.
Trong ngày, CSGT ở TP HCM đã xử lý 332 trường hợp vi phạm. Trong đó, lập biên bản 301 trường hợp, tạm giữ 46 mô tô với các lỗi vi phạm chủ yếu như lưu thông ngược chiều; không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, lưu thông đường cấm, giờ cấm…
Trong khi đó, đại tá Huỳnh Đấu Tranh, Phó Giám đốc Công an TP Cần Thơ, cho biết quy định về việc xử phạt phương tiện tham gia giao thông vượt đèn vàng đã có hiệu lực thì phải xử lý. Tuy nhiên, CSGT ở Cần Thơ bước đầu chỉ nhắc nhở, hướng dẫn người tham gia giao thông phải chấp hành đúng chứ chưa xử phạt. “Có nhiều người dân, đặc biệt là người dân ở nông thôn, chưa nắm rõ thông tin xử phạt vượt đèn vàng nên trước mắt lực lượng CSGT phải nhắc nhở họ nghiêm chỉnh chấp hành, sau một thời gian sẽ chính thức xử phạt” - đại tá Tranh nói.
Chưa xử phạt ngay lập tức
Theo thượng tá Phan Thanh Hồng, Phó Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam, chủ trương của đơn vị này là sẽ nhắc nhở, tuyên truyền ít nhất trong tuần đầu tiên Nghị định 46 có hiệu lực để người dân biết và chấp hành chứ chưa xử phạt ngay lập tức. Trong khi đó, theo trung tá Phan Văn Thương, Phó Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng, tính đến 16 giờ cùng ngày, CSGT đã lập biên bản 208 trường hợp vi phạm giao thông. Trong đó có 24 trường hợp đi không đúng làn đường, 15 trường hợp đi ngược chiều, 12 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, 21 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông như vượt đèn vàng, đèn đỏ; còn lại là vi phạm các lỗi khác.
Bình luận (0)