Người miền Tây sông nước vốn hào sảng, nhiệt tình và hiếu khách. Mỗi khi khách ghé nhà, bà con ở xa về thăm hay bạn hữu lâu ngày gặp lại thì y như rằng phải nhậu. Không phân biệt sang hèn, họ lấy tấm lòng phóng khoáng, tửu lượng nhiệt nồng làm thước đo tình cảm.
Một người “cõng” hai thùng bia
Chuyện ăn nhậu ở miền Tây phổ biến đến mức hầu như tại bất cứ con đường nào, làng xóm nào cũng có quán nhậu và chỉ vắng khách khi… đóng cửa. Người ta gặp nhau, thường câu đầu tiên là hỏi “lúc này nhậu được không?”. Nếu trả lời được là lập tức kéo nhau ra quán. Rượu, bia cũng được mặc định như thước đo của tình bằng hữu. Khi đã chấp nhận cụng ly thì phải nhiệt tình, không bỏ bạn giữa đường.
Ông V., cựu giám đốc một sở và ông T., giám đốc một doanh nghiệp ở Bạc Liêu, được giới ăn nhậu nơi đây đặt tên là “ma men song sát” bởi mỗi người có thể “cõng” 2 thùng bia hay 1 chai rượu mạnh 750 ml mà không hề hấn gì. “Hai ông ấy từng uống với nhau nhiều lần. Có lần đếm được mỗi ông uống hơn 40 lon nhưng phải dừng lại vì không đủ thời gian để uống tiếp. Khi tàn cuộc, cả hai đều rất tỉnh” - ông P., một cán bộ ở tỉnh Bạc Liêu, kể.
Đó là những trường hợp cá biệt, còn những người có thể uống hết 1 két bia là chuyện bình thường. Riêng nói đến uống rượu thì ông N.T.T - một nông dân ở xã Điền Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu - mới đích thực là cao thủ. Những người ngụ cùng xóm với ông T. kể rằng ông đi làm đồng không bao giờ mang theo nước mà lúc nào cũng có 1 can rượu bên mình. Khi khát nước, ông lấy rượu ra ực một hơi ngon lành. Ông T. uống rượu nhiều đến mức không ai ước lượng nổi khả năng ông uống được bao nhiêu lít. Sau này, khi thèm hơi men mà không có tiền, ông đành mang tài uống rượu ra biểu diễn để kiếm tiền mua rượu.
“Ông treo 1 bọc rượu 2 lít trên cao rồi xé một góc cho rượu tuôn xuống. Ông ấy nằm ngửa, há miệng hứng hết cả bọc rượu mà vẫn không say. Vì uống quá nhiều rượu mà nội tạng ông bị tổn thương nặng, bác sĩ cấm uống. Thế nhưng, trong một lần cao hứng, ông biểu diễn khả năng uống rượu trước hàng chục người ở xứ khác đến vì tò mò. Người ta vỗ tay rần rần khi ông uống hết một bọc rượu 2 lít đến giọt cuối cùng. Khi tràng pháo tay vừa dứt thì ông cũng bất tỉnh nhân sự. Mọi người hốt hoảng đưa ông đi cấp cứu nhưng không qua khỏi” - một người hàng xóm của ông T. nhớ lại.
Nhậu riết thành... chúa Chổm
Trong lần đi công tác đến một xã vùng sâu của Cà Mau, tôi ghé vào một quán nước “kiêm” quán nhậu. Trên vách tôn, chủ quán ghi 2 câu thơ: “Quán nghèo vốn chẳng bao nhiêu/ Xin đừng chơi thiếu cho tiêu quán nghèo”.
Anh chủ quán tên Nam giải thích: “Ở đây heo hút, khách nhậu chủ yếu là cán bộ xã, ấp. Mở quán bán mà vốn liếng chẳng bao nhiêu nhưng mấy ổng nhậu thường cộng sổ, cuối tháng mới thanh toán nhỏ giọt. Riết rồi chịu hết nổi nên tôi đề thơ lên tường giải tỏa bực tức chứ chẳng có ý gì. Nhiều lúc có nợ mà không dám đòi vì sợ mấy ổng giận không ghé nữa thì bán cho ai”.
Cũng vì bị nợ tiền nhậu mà hồi cận Tết 2015, một chủ quán nghèo đã mang theo 2 can xăng đến trụ sở UBND xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau dọa đốt. Nguyên nhân sau đó được xác định là do hầu hết cán bộ xã đều tiếp khách ở quán này và nợ gần 50 triệu đồng nhưng cứ rề rà, chậm thanh toán. Sau sự việc trên, lãnh đạo xã rà soát lại thì phát hiện còn nợ tiền nhậu nhiều quán khác trên địa bàn. Lý do được lãnh đạo xã đưa ra là do xã nghèo nên có khi một ngày phải tiếp 3-4 đoàn khách từ khắp nơi. Họ đến để tặng quà, khám chữa bệnh, hỗ trợ xây cầu, đường… nên phải tổ chức đối đãi cho phải đạo. Trong khi đó, chỉ tiêu ngân sách chỉ có khoảng 20 triệu đồng tiếp khách mỗi năm nên xã đổ nợ!
Không chỉ các xã vùng sâu, vùng xa mà ngay các nhà hàng lớn ở TP Cà Mau cũng than phiền vì bị một số cơ quan nhà nước nợ tiền nhậu. Có quán bị nợ cả tỉ đồng nhưng chủ quán không dám làm căng vì sợ mất khách. “Hằng ngày, nghe điện thoại đặt tiệc của các cơ quan mà buồn. Có những tiệc nhậu hơn chục triệu đồng nhưng phải chờ đến cuối tháng, thậm chí là cuối năm, mà chưa chắc được thanh toán” - một quản lý nhà hàng ở TP Cà Mau than thở.
Chị em cũng... quắc cần câu
Đến giờ, người dân ở Bạc Liêu còn chưa quên câu chuyện vợ của một quan chức cấp tỉnh lấy súng của chồng đi đánh ghen giùm bạn cũng chỉ vì rượu mà ra. Trong lúc ngồi nhậu cùng mấy người bạn hết vài két bia, bà Đ. nghe một bà than vãn chuyện chồng mình là ông L. lén đi thuê đất làm vuông tôm xa nhà để sống chung với vợ bé.
Khi men rượu đã ngấm, bà Đ. về nhà mở tủ của chồng lấy khẩu súng ngắn, kéo bà bạn cùng 2 con trai đằng đằng sát khí tiến về cánh đồng Chó Ngáp ở xã Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Ông L. đang ngủ trong chòi ở vuông tôm thì cửa bị đạp tung. Vừa lồm cồm ngồi dậy, ông bị một họng súng lạnh ngắt gí vào đầu. Hai thanh niên nhảy đến trói nghiến ông L. Nhìn lại, ông mới thấy 2 người trói mình chính là 2 cậu con trai. Sau đó, họ quay sang đè người tình của ông L. xuống cắt trụi mái tóc dài óng mượt quá lưng.
Cách đây chưa lâu, ở một xã vùng sâu, vùng xa thuộc tỉnh Cà Mau, 5 phụ nữ tuổi sồn sồn giữa trưa nắng buồn tình rủ nhau ăn nhậu. Uống hết gần 9 lít rượu, cả nhóm là ngà cởi phăng áo ngoài vắt vai, chỉ mặc độc áo lót vừa đi vừa hát nghêu ngao. Có người khuyên can, cả nhóm cự: “Nam nữ bình đẳng, đám đàn ông nhậu say cởi trần được thì tụi tôi cũng cởi trần được. Nhiều chuyện...”. Sau khi tỉnh rượu, cả nhóm mắc cỡ không còn dám ra quán rượu nữa.
Kỳ tới: Phận gái nhậu thuê
Bình luận (0)