Ngày 7-4, ông Phan Quốc Khánh (SN 1972; ngụ phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) cho biết đã hai lần gửi đơn đến UBND tỉnh Tiền Giang (qua chuyển phát nhanh) để “xin” lại 150 triệu đồng mà UBND tỉnh này đã xử phạt ông sai pháp luật. Tuy nhiên, đến nay đã nhiều tháng nhưng vẫn chưa thấy UBND tỉnh Tiền Giang hồi âm.
Theo đơn ông Khánh gửi Báo Người Lao Động, ngày 2-11-2013, ông được bà Trần Thị Vân và ông Phạm Văn Thu ủy quyền sử dụng ô tô biển số 61H-0245 nhận hợp đồng với ông Trần Hữu Phúc (tỉnh Tiền Giang) vận chuyển 6,8 m3 gỗ từ TP HCM về Tiền Giang. Thế nhưng, khi xe đến ngã ba Trung Lương thì bị công an và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang bắt giữ. Ông Phúc đã mang toàn bộ hồ sơ gồm hóa đơn bán hàng, bảng kê lâm sản của Chi cục Kiểm lâm TP HCM xuất trình nhưng cơ quan có thẩm quyền từ chối cho đi vì “phải xác minh lại”.
Đến ngày 27-12-2013, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Khánh về hành vi vận chuyển lâm sản trái phép. Sau đó, UBND tỉnh Tiền Giang ra quyết định xử phạt ông Khánh 150 triệu đồng. Ông Khánh nhiều lần giải thích là người chở thuê nên xin không xử phạt mà không được. “Nếu không nộp phạt thì không được trả xe nên tôi đành vay 150 triệu đồng nộp phạt. Sau khi nộp phạt xong, tôi mang biên lai đến nộp cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang thì mới được mang xe về” - ông Khánh nói.
Về phía chủ hàng, ông Trần Hữu Phúc cho biết số gỗ trên (6,8 m3 gỗ gõ mật xẻ hộp thuộc nhóm IIA) mua của Công ty TNHH Rực Sáng (TP HCM), được xuất hóa đơn đầy đủ nhưng cơ quan chức năng kiểm tra, đưa cả xe và gỗ về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang tạm giữ là trái pháp luật. Thế nhưng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang còn đề xuất UBND tỉnh quyết định xử phạt ông Phúc 150 triệu đồng về hành vi mua bán lâm sản trái phép, đồng thời tịch thu toàn bộ số gỗ là không đúng nên ông Phúc khởi kiện quyết định của UBND tỉnh Tiền Giang, đề nghị tòa tuyên hủy quyết định này. Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Tiền Giang cho rằng UBND tỉnh áp dụng Nghị định 157/CP khi chưa có hiệu luật pháp luật là nhằm có lợi cho ông Phúc và tuyên bác đơn khởi kiện. Ông Phúc kháng cáo toàn bộ án sơ thẩm.
Xử phúc thẩm, TAND Tối cao nhận xét: “Khi Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang kiểm tra phương tiện thì không có hồ sơ chứng minh nguồn gốc gỗ. Sau đó, ông Phúc đã cung cấp đầy đủ hồ sơ chứng từ liên quan chứng minh gỗ phù hợp với hóa đơn. Như vậy, toàn bộ số gỗ của ông Phúc là có nguồn gốc hợp pháp”. Ngoài ra, tòa cho rằng chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang áp dụng Nghị định 157/CP khi chưa có hiệu lực của pháp luật để xử phạt ông Phúc là trái quy định pháp luật. Từ những căn cứ nêu trên, TAND Tối cao tuyên hủy quyết định của UBND tỉnh Tiền Giang và trả lại số gỗ hợp pháp cho ông Phúc. Ông Khánh cho biết khi tòa tối cao tuyên UBND tỉnh Tiền Giang phải hủy quyết định xử phạt ông Phúc và trả lại gỗ nói trên là rõ ràng số gỗ này hợp pháp mà sao UBND tỉnh Tiền Giang lại phạt ông 150 triệu đồng? Vì thế, ông Khánh đã nhiều lần đến Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang “xin” lại số tiền bị phạt oan nhưng không được đồng ý...
Bị “xử” vì tố cáo kiểm lâm
Ông Trần Hữu Phúc chính là người đã nhiều lần tố cáo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang giải cứu hàng trăm mét khối gỗ lậu. Mới đây, trả lời đơn tố cáo của ông Phúc, ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, khẳng định có việc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang giải cứu gần 125 m3 gỗ lậu, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, nhiều vụ vận chuyển, mua bán gỗ trái phép có khối lượng lớn, phải truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang chỉ lập biên bản vi phạm hành chính là trái luật. Tuy nhiên, không kiểm lâm nào bị xử lý vì khi họp kỷ luật, số người biểu quyết “không kỷ luật” quá bán.
Bình luận (0)