Nhận định của bà Nga được nêu ra tại phần thảo luận trong hội nghị tổng kết công tác của Ủy ban Tư pháp (UBTP) Quốc hội, nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016), tổ chức sáng 3-3 ở TP Đà Nẵng.
Bà Lê Thị Nga phát biểu thảo luận tại hội nghị
Bà Nga cho rằng báo chí là hơi thở của cuộc sống hằng ngày. Việc giám sát oan sai có vai trò rất lớn của báo chí. Bà Nga đề xuất trong thời gian tới, UBTP nên cử một bộ phận chuyên theo dõi thông tin phản ánh trên báo chí để giám sát xử lý kịp thời. Bởi thực tế, rất nhiều vụ việc báo chí phát hiện sớm hơn, qua đó giúp cho UBTP biết được mà xứ lý kịp thời, tạo sự đồng thuận cao.
Theo bà Nga, trong nhiệm kỳ tới, việc giới thiệu cơ cấu các đại biểu Quốc hội đăng ký vào UBTP cũng rất cần thiết. Thực tế, nhiều đại biểu chỉ đăng ký vào UB Tài chính, Kinh tế rồi UB Pháp luật, Đối ngoại..., cuối cùng mới về UBTP.
“UBTP thường làm mất lòng nhiều người nên chọn thành viên rất khó. Hơn nữa, thành viên của UBTP cũng cần bản lĩnh, chứ không thể phát biểu "cả nhà cùng vui" được” - bà Nga bộc bạch.
Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Văn Hiện cho rằng những vụ việc bức cung, nhục hình và oan sai mà UBTP nêu ra tại các cuộc họp được dư luận rất quan tâm. Song, việc phối hợp với báo chí để chuyển tải thông tin đến người dân chưa tốt lắm. Vì vậy, trong thời gian tới phải phối hợp chặt chẽ hơn.
Bà Trần Thị Quốc Khánh nêu ra những mặt hạn chế cần khắc phục
Trong khi đó, bà Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực UB KHCN và MT của Quốc hội, cho rằng UBTP cần giám sát chặt chẽ hơn nữa những việc làm của cơ quan chức năng ở các địa phương.
Chẳng hạn, vụ xây dựng Resort ở vườn Quốc gia Ba Vì vừa qua. Vụ này doanh nghiệp có lỗi nhưng trách nhiệm của cơ quan chức năng địa phương cũng rất lớn. Thực tế, doanh nghiệp đã 5 năm trời chạy lên chạy xuống xin phép cơ quan chức năng, thậm chí nhiều trường hợp đã tốn tiền bôi trơn nhưng cơ quan chức năng không giải quyết trả lời dứt điểm có được xây dựng hay không.
Chính vì sự chậm trễ, trì trệ này nên DN nóng lòng và xây dựng sai phép.
Bà Khánh cũng cho rằng nhiều vấn đề luật ban hành nhưng không đi vào thực tiễn. Vì vậy, UBTP cần giám sát chặt chẽ để có ý kiến với Quốc hội điều chỉnh cho hợp lý.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cũng cho rằng cần tăng cường công tác giám sát để giúp sự điều chỉnh tốt hơn. Theo ông, hiện nay rất nhiều nơi xảy ra tình trạng nhà tạm giữ, tạm giam ngày càng phình to nên việc giải quyết chế độ chính sách cũng như đầu tư rất tốn kém. Vì vậy, chỉ nên cho phép xây dựng thêm nhà tạm giữ, tạm giam ở vùng sâu, vùng xa vì đi lại khó khăn; còn các trung tâm ở thành phố thì không nên xây dựng thêm.
Ông Chung cho biết dù là người từ trong ngành công an nhưng bản thân ông thấy rất nhiều văn bản, nhất là văn bản về an toàn giao thông, chồng chéo với nhau nên rất khó xử lý. Vì vậy, UBTP cần giám sát chặt chẽ để có ý kiến xứ lý phù hợp với cuộc sống thực tiễn.
Bình luận (0)