Chiều 29-5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã khảo sát, thăm hỏi người dân ở tuyến đường "cứ mưa là ngập" và thị sát tình hình thi công dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).
Thiếu mặt bằng thi công cống ngăn triều
Nói chuyện với Bí thư Thành ủy, ông Nguyễn Văn Dũng (ngụ phường 22, quận Bình Thạnh) cho biết đường Nguyễn Hữu Cảnh ở quận này hễ mưa là ngập suốt nhiều năm qua khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Nước mưa dồn ứ ngoài đường gây ngập tràn vào các hẻm. Đợt mưa tháng 9-2016, nước ngập 2 ngày mới rút.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác thị sát dự án giải quyết ngập do triều cường Ảnh: SỸ ĐÔNG
Trong các cuộc họp khu phố, người dân rất bức xúc và đề nghị quận sớm có giải pháp khắc phục tình trạng ngập kéo dài này. "Họp tổ dân phố, khu phố nói quận sắp thực hiện nhưng chờ mãi không thấy" - ông Dũng bức xúc.
Ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM, cho biết thời điểm trận mưa lịch sử ngày 26-9-2016 với lượng mưa trên 200 mm, đơn vị phải dùng máy bơm liên tục, nước mới thoát hết. Theo khảo sát, đường Nguyễn Hữu Cảnh thường ngập từ điểm giao cắt với đường Ngô Tất Tố kéo dài đến phía cầu Sài Gòn với chiều dài khoảng 500 m do ảnh hưởng thi công dự án cầu Thủ Thiêm.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã đến dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) do Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam làm chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam, cho biết theo kế hoạch rút ngắn thời gian thi công xuống còn 24 tháng thì tiến độ hiện nay là 38%. Hiện 6 cống ngăn triều lớn, 2 cống nhỏ và 7,8 km đê kè đã được thi công. Tuy nhiên, ông Tiến bày tỏ lo ngại thiếu mặt bằng thi công phần mang cống ở các cống ngăn triều. Cụ thể: cống Tân Thuận vướng 2 doanh nghiệp, cống Phú Xuân vướng 14 hộ dân và 2 doanh nghiệp... Riêng 7,8 km đê kè và cống nhỏ thì vướng 198 hộ dân, 8 doanh nghiệp và 4 đơn vị quốc phòng. Ông Tiến đề nghị TP chấp thuận phương án dời bờ kè ra lòng sông để đẩy nhanh tiến độ. Đối với các cống ngăn triều, ông Tiến hy vọng các quận, huyện sẽ bàn giao mặt bằng trong tháng 8, 9, 10 ở các vị trí còn lại thì dự án sẽ hoàn thành trong tháng 4-2018.
Về phương án nắn tuyến, ông Tiến cho biết đã lấy ý kiến Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật TP, Viện Thủy lợi Miền Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và đã được đồng thuận do không ảnh hưởng thủy lực.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Sở NN-PTNT phải hỏi kỹ Bộ NN-PTNT, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam cũng như Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật TP. Nếu các đơn vị trên đồng ý, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa rà lại xem nếu được thì phê duyệt phương án trên trong vòng 10 ngày. Đồng thời, Trung tâm Chống ngập tính toán công suất máy bơm, đường dẫn nước về các cống phải hoàn thành để phát huy tác dụng.
Mưa nhiều, thi công không được
Cùng ngày, tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh tháng 5-2017 do Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì, ông Sử Ngọc Anh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - cho biết đầu năm nay, TP còn 7 vị trí ảnh hưởng do thi công dự án. Gần nửa năm qua, TP tập trung xử lý được 6/7 vị trí thì lại phát sinh mới 25 vị trí, ảnh hưởng đến khả năng thoát nước của hệ thống. Trên địa bàn còn 67 vị trí kênh rạch bị lấn chiếm, đã xử lý được 7 vị trí, còn 60 vị trí phải tiếp tục xử lý. Ngoài ra, TP còn 88 tuyến cống bị lấn chiếm với chiều dài hơn 13 km (392 hầm ga). Dù trung tâm đã nỗ lực nhưng đến nay mới xóa được 5 vị trí lấn chiếm và vẫn còn 83 vị trí đang phối hợp các đơn vị liên quan xử lý.
Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết TP đã cập nhật thông tin về tình hình ngập nước trên các tuyến đường trong và sau mỗi cơn mưa để người dân chủ động ứng phó như chọn lộ trình phù hợp, tránh đi vào các khu vực đang ngập nặng.
Đầu năm đến nay, TP tiếp nhận thêm 6 tuyến cống với tổng chiều dài 8,730 km và thay 612 cống bị xuống cấp có khả năng sụp, góp phần tăng năng lực thoát nước. Trả lời về việc hệ thống thoát nước vừa được đầu tư đưa vào sử dụng nhưng tuyến đường Đỗ Xuân Hợp vẫn ngập nặng, ông Dũng cho biết hệ thống cống thoát nước được thi công theo quy hoạch của ngành giao thông. Cống chưa đạt quy mô và chưa bảo đảm khả năng thoát nước. "Mấy hôm nay mưa nhiều, thi công không được. Chờ mấy hôm nữa bớt mưa, trung tâm sẽ tập trung khắc phục, tình trạng ngập sẽ giảm" - ông Dũng nói.
Không thể chủ quan
Ông Lê Văn Khoa cho biết khi dịch chuyển đê kè theo đề xuất của Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam có 2 cái được là số hộ giải tỏa sẽ ít đi và tiến độ thi công được đẩy nhanh. Tuy nhiên, không thể chủ quan. Nếu dịch chuyển phải nghiên cứu lại xem có ảnh hưởng gì không? Nếu không ảnh hưởng gì thì UBND TP sẽ đồng ý. Đại diện Sở NN-PTNT cho biết đã trình UBND TP và thông qua cơ bản.
Bình luận (0)