Sáng ngày 12-3, tuyến xe buýt số 48 (đoạn Cầu Vĩnh Tuy - Trần Khánh Dư) xuất hiện một vị khách đặc biệt mà không có sự sắp đặt trước. Đó là ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Ông Nghị lên xe ở điểm chờ gần khu vực đê Nguyễn Khoái, đi qua 5 điểm đỗ, chừng hơn 20 phút và xuống ở điểm Trần Khánh Dư.
Khi Bí thư Thành ủy lên xe buýt, xe đã khá đông hành khách, hầu như không còn chỗ trống. Ông chọn vị trí đứng gần cửa xuống phía cuối xe và bắt đầu trò chuyện với những hành khách đứng cạnh. Bí thư Thành ủy hỏi họ đủ thứ chuyện về thời tiết, nơi ở, chỗ làm việc, vì sao chọn xe buýt là phương tiện đi lại trong thành phố, có đi thường xuyên (dùng vé tháng) hay đi vé lượt, họ đánh giá như thế nào về an ninh, an toàn trên xe buýt...
Nhà lãnh đạo cao nhất của Hà Nội quan tâm nhiều tới nhìn nhận của hành khách về chất lượng dịch vụ trên xe buýt, mức độ thân thiện của nhân viên, giá vé và mong muốn của người dân khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng này.
Trong khoảng 20 phút, Bí thư Phạm Quang Nghị đã kịp “bắt chuyện” với 3 hành khách trên xe. Những thông tin thu thập được trong 3 cuộc trao đổi nhanh trên xe buýt đã được Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nêu ra ngay trong cuộc làm việc sau đó với Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco).
Ghi nhận hình ảnh xe buýt Hà Nội đã thân thiện hơn rất nhiều trong những năm gần đây, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cũng nhận xét: Số lượng hành khách đứng ôm cột, thậm chí đứng chắn cửa lên xuống vẫn còn nhiều. “Khi hành khách lên xe, phụ xe thường phải đến hỏi vé rất mất thời gian, công sức. Làm sao khách lên xe chỉ việc giơ vé lên hoặc có hành động nào đó giúp phụ xe phân biệt được vé tháng hay vé ngày. Có như thế người dân mới thấy được sự thuận tiện của xe buýt” - ông Nghị nói.
Bí thư Thành ủy giao cho rằng người dân rất mong chờ chất lượng dịch vụ xe buýt tăng lên. Đây chính là khâu hấp dẫn người dân đến với xe buýt.
Về đề xuất tăng giá vé xe buýt từ 5.000 đồng/lượt lên 7.000 đồng/lượt, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: “TP luôn khuyến khích người dân đi xe buýt. Hà Nội không thu một đồng lãi nào từ xe buýt, điều chỉnh giá vé chỉ làm giảm mức chi hỗ trợ của TP (bù lỗ - PV) hàng năm cho xe buýt mà thôi.”
Ông Nghị cho biết TP Hà Nội yêu cầu tính toán điều chỉnh giá vé phải phù hợp điều kiện kinh tế, thu nhập của người dân, không giật cục. "Giá vé sẽ nâng dần lên để có điều kiện tiếp tục mở rộng số người được hưởng dịch vụ xe buýt” - ông Nghị nói.
Bình luận (0)