Ngày 15-6, Quốc hội đã thông qua “Tờ trình về phương án sử dụng nguồn kinh phí còn lại, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2015 và nguồn 10.000 tỉ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của nhà nước tại một số doanh nghiệp năm 2015 chưa sử dụng”. Theo tờ trình này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đề nghị bổ sung kinh phí chi cải cách tiền lương là 2.100 tỉ đồng.
6 năm tới không tăng biên chế
Ông Đinh Tiến Dũng cho biết cần 2.100 tỉ đồng để xử lý nguồn làm lương còn thiếu trong năm 2015 do 9 tỉnh, thành thu ngân sách địa phương năm 2014 hụt so dự toán, làm hụt nguồn cải cách tiền lương năm 2015 (khoảng 1.877 tỉ đồng) và xử lý chế độ phụ cấp, trợ cấp tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mới được công nhận trong giai đoạn 2014-2015 (khoảng 300 tỉ đồng).
Trong năm 2016, ngân sách trung ương sẽ bố trí 500 tỉ đồng để thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho hay cả nước sẽ kiên trì chủ trương tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm đến năm 2021, về cơ bản không tăng tổng biên chế của bộ, ngành ở trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương so với biên chế được giao của năm 2015. Đây được xem là nhiệm vụ then chốt được cụ thể hóa trong kế hoạch của Chính phủ nhằm thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Chờ về hưu mới giảm cán bộ
Theo báo cáo thẩm tra sơ bộ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015, bộ máy nhà nước còn cồng kềnh không chỉ gây kém hiệu quả mà còn là gánh nặng của chi ngân sách nhà nước. Tỉ lệ chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách nhà nước lớn (67,7%), trong đó phần chi lương cho bộ máy chiếm tỉ lệ cao. Công tác cải cách thủ tục hành chính ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực sự trở thành động lực cho sự phát triển. Tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ vẫn khá phổ biến; tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, kém hiệu quả; nhiều thủ tục hành chính phiền hà chưa được loại bỏ, gây bức xúc trong người dân.
Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, sau nhiều năm thực hiện tinh giản biên chế, bộ máy nhà nước vẫn chưa gọn, thậm chí phình ra ở nhiều nơi, đặc biệt là tình trạng lạm phát cấp phó cấp sở.
Mặc dù đã có quy định mỗi sở, ngành không quá 3 cấp phó nhưng hiện nay, nhiều sở, ngành ở tỉnh Đắk Lắk có 4 - 5 cấp phó như: Sở Công Thương, Sở Nội vụ…
Ông Võ Đình Đoan, Chánh Văn phòng Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, cho biết toàn sở có 173 cán bộ, công nhân, viên chức. Trong đó, số lượng người có chức danh từ cấp đội trở lên chiếm khoảng 50%; cán bộ chủ chốt, lãnh đạo đơn vị hơn 40 người. Sở Công Thương đang cố gắng thực hiện đề án tinh giản biên chế nhưng không có đối tượng để tinh giản theo quy định như người không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liền, người có sức khỏe yếu...
Ông Miên Klơng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk, cho rằng dù đang có 5 phó giám đốc nhưng theo đề án thì đến năm 2021, một sở không được có quá 3 phó giám đốc. Lúc đó, sở này sẽ thiếu người do ông Miên Klơng và 2 phó giám đốc khác cũng còn 2-3 năm nữa sẽ về hưu.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, tình trạng lạm phát cấp phó của các sở, ban ngành cũng khá phổ biển. Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) có 6 phó giám đốc, Sở Y tế Hà Tĩnh cũng có tới 5 phó giám đốc, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hà Tĩnh có 6 người làm phó trưởng ban quản lý khu kinh tế...
“Việc một số sở, ban ngành thừa cấp phó là do sáp nhập và vấn đề lịch sử để lại nên phải xử lý từ từ chứ không thể làm ngay được. Đối với các đơn vị đủ và thừa cấp phó, chúng tôi sẽ không bổ nhiệm mới, chờ một thời gian khi một số người về hưu thì số lượng cấp phó sẽ giảm xuống” - ông Lê Minh Đạo, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh, giải thích.
Tại Bình Định, nhiều sở có 4 phó giám đốc như Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Công Thương; 5 phó giám đốc như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NN-PTNT. Văn phòng UBND tỉnh cũng có 5 phó chánh văn phòng (hàm tương đương phó giám đốc sở).
Ông Trần Kim Hùng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định, thừa nhận tại một số sở, ngành có số lượng phó giám đốc sở cao hơn so với quy định. Nguyên nhân do sau khi sáp nhập giữa các sở, số lượng phó giám đốc sở ở một số sở tăng lên như Sở NN-PTNT (sáp nhập giữa sở này với Sở Thủy sản cũ), Sở Công Thương (sáp nhập giữa Sở Công nghiệp và Sở Thương mại). Bên cạnh đó, một số sở có số phó giám đốc sở cao do được bổ nhiệm để kiêm nhiệm một số đơn vị trực thuộc như Sở Tài nguyên và Môi trường. Ngoài ra, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định có chủ trương làm thí điểm tăng thêm phó giám đốc một số sở, ngành. Về việc này, sắp tới Bình Định sẽ sơ kết để rút kinh nghiệm.
“Ngoài một số sở, ngành có phó giám đốc sở kiêm nhiệm, hầu hết các trường hợp sở, ngành có số lượng phó giám đốc sở vượt quy định chủ yếu là những tồn tại cũ để lại. Sắp tới, sau khi lớp cũ nghỉ hưu theo chế độ, tỉnh sẽ sắp xếp lại cán bộ giữ chức vụ phó giám đốc sở theo quy định của trung ương” - ông Hùng nói.
Người đứng đầu không nghiêm thì bộ máy “lờn thuốc”
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng quá trình thực hiện quản lý biên chế sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Đó là sức ép thành lập các tổ chức mới. Ví dụ như để đáp ứng yêu cầu về giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho người dân, các địa phương vẫn phải thành lập thêm trường học, bệnh viện và khi có trường học, bệnh viện thì sẽ thêm thầy giáo, thầy thuốc…
“Chúng tôi thấy trong việc tinh giản biên chế và quản lý chặt chẽ biên chế hiện nay, sức ép từ các cơ quan, đơn vị cũng rất lớn vì vẫn lấy lý do là phải có người để làm việc” - ông Trần Anh Tuấn nêu.
Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông (Đoàn Thanh Hóa) lý giải việc bộ máy nhà nước đông đảo song hoạt động chưa hiệu quả, cứ khi nào có việc lại nêu lý do “lực lượng mỏng” hoặc vừa yếu vừa thiếu là do trình độ của cán bộ không bảo đảm, phân công công việc hay vị trí công việc của từng người không rõ ràng, minh bạch. Chất lượng công việc kém nhưng cấp trên không giám sát, đánh giá, xử lý vấn đề là cấp trên không hoàn thành nhiệm vụ. Ông cho rằng nguyên nhân cơ bản ở người đứng đầu. Vai trò của người đứng đầu không mẫu mực, nghiêm túc thì dẫn tới cả bộ máy trì trệ và “lờn thuốc”.
“Cách quản lý theo kiểu gia đình, nhóm lợi ích mà sinh ra chứ còn nghiêm túc, cứ việc công mà xử thì sẽ dễ. Nhưng đây là chằng chịt quan hệ ngang dọc, há miệng mắc quai rất nhiều vấn đề. Ai cũng hùng hồn phải thế này thế kia nhưng đi vào cụ thể lại khó vì nó là lợi ích, là quan hệ ràng buộc. Thế rồi hòa cả làng” - đại biểu Lê Văn Cuông phân tích.
Còn theo ông Lâm Hải Giang, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định, việc triển khai chủ trương tinh giản biên chế thời gian còn chậm và chưa thật quyết liệt. Để mục tiêu tinh giản biên chế đạt kết quả, người đứng đầu các sở, ban, ngành phải đủ bản lĩnh vượt qua tình cảm cá nhân, lấy việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức làm mục tiêu thì việc tinh giản mới khách quan, công bằng và công tâm. Ngoài ra, cần xây dựng kế hoạch tinh giản với các chỉ tiêu cụ thể, nếu không đạt chỉ tiêu đề ra thì người đứng đầu đơn vị, địa phương sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Ông Giang cũng đề xuất thực hiện đúng nguyên tắc “ra 2 vào 1”, tức là số người được tuyển mới trong đơn vị không quá 50% số biên chế đã tinh giản và đã giải quyết chế độ nghỉ hưu, thôi việc theo quy định.
Tinh giản biên chế: Con đường gian nan
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói: “Trong bộ máy của chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sau tinh giản, biên chế không giảm mà còn tăng đó là việc nể nang, né tránh, ngại va chạm, muốn giữ ổn định tổ chức, bộ máy và biên chế hiện tại. Vì muốn phình to cơ quan, tăng sự bề thế, lại có chỗ để đưa người nhà, mối thân quen vào biên chế, người ta đề xuất đủ mọi lý do cần thiết thêm phòng này, ban nọ, bộ phận kia…
Một nguyên nhân nữa làm biên chế phình ra không ngừng là do thiết kế mô hình tổ chức không khoa học, thêm bớt cơ quan, bộ máy tùy tiện. Cái sai lớn trong tổ chức bộ máy nhà nước là biến chính quyền cấp dưới thành một bản sao thu nhỏ của chính quyền cấp trên. Cứ cấp huyện có cái gì là cấp xã phải có cái đó.
Cấu trúc thực thi quyền lực trong hệ thống chính trị bị trùng lắp. Thực tế này đã làm phát sinh tình trạng nhiều cơ quan, tổ chức có cùng chức năng, cũng làm cho người hưởng chế độ từ ngân sách nhà nước trong hệ thống chính trị ngày càng tăng lên.
Sau gần 20 năm thực hiện cải cách hành chính, dù đã nỗ lực cải cách nhưng vẫn không tránh được chồng chéo, nhiều đầu mối, nhiều cơ quan, chức năng, nhiệm vụ giẫm chân lên nhau.
Đề án “Xác định vị trí việc làm” là một trong những giải pháp của đề án tinh giản biên chế. Qua xác định vị trí việc làm sẽ xác định được rõ, đủ, đúng, cần thiết số người làm việc trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trên cơ sở đó xác định những vị trí, những người không nhất thiết phải bố trí vào các cơ quan đó. Ở đây, tinh giản biên chế không chỉ đơn thuần là giảm về số lượng người mà còn góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức; tuyển vào hệ thống công vụ những người đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu của mỗi vị trí việc làm. Như vậy mới gọi là tinh.
Thực hiện tích cực chủ trương xã hội hóa cung cấp dịch vụ công cũng sẽ góp phần tinh giản bộ máy. Đất nước càng phát triển, xã hội sẽ càng hình thành nhiều việc mà người dân và các tổ chức xã hội sẽ phải tự lo liệu lấy, chứ không phải nhà nước lo toàn bộ. Nhà nước chỉ là người “cầm lái” thay vì “bơi chèo”. Nên chăng, thành lập các công ty dịch vụ phục vụ hoạt động cho các cơ quan hành chính.
Thiết nghĩ, cần thay thế chế độ ”biên chế” bằng chế độ “hợp đồng linh hoạt” cộng với thực hiện chế định sát hạch công chức, coi như một cuộc cải cách lớn đối với chế độ công vụ quá nhiều trì trệ bất cập hiện nay.
Tinh giản biên chế là xu thế khách quan nhưng trước hết cần tính minh bạch, tính hệ thống và tính đồng bộ. Phải xây dựng kỷ cương, kỷ luật, đánh giá công tâm, công khai tiêu chí, đối tượng, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, cương quyết, tránh nể nang, né tránh, ngại va chạm thì mới có thể thực hiện được việc tinh giản, sắp xếp lại bộ máy để hoạt động hiệu quả.
Diệp Văn Sơn
Đồng Tháp đề xuất sát hạch công chức cấp huyện
Từ năm 2014, UBND tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện việc kiểm tra, sát hạch kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ đối với 5 chức danh công chức cấp xã. Kết quả thống kê của Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp cho thấy trong tổng số 1.201 công chức tham gia kiểm tra, sát hạch thì có hơn 80% người đạt yêu cầu.
Bà Nguyễn Thị Minh Thùy, Phó trưởng Phòng Cải cách hành chính thuộc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp, cho biết Sở Nội vụ đã kiến nghị lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo rút kinh nghiệm đối với những công chức chưa đạt yêu cầu. Qua đó sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức để hoàn thiện hơn về trình độ, nâng cao năng lực chuyên môn. Đồng thời, bố trí hoặc sắp xếp lại vị trí công việc phù hợp với từng công chức. Sở Nội vụ cũng đang xem xét việc tổ chức thi sát hạch đối với công chức cấp huyện trong thời gian tới.
Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp đã tinh giản biên chế 192 trường hợp.
T.Nốt
Bình luận (0)