TP HCM nên nghiên cứu những tác động thực tế đã diễn ra của biến đổi khí hậu (BĐKH) để có chiến lược ứng phó phù hợp. Đó là khuyến cáo của các chuyên gia tại hội thảo “Thích nghi và giảm nhẹ BĐKH - các vấn đề và giải pháp cho TP HCM” do Sở Tài nguyên và Môi trường TP tổ chức ngày 18-12.
Quy hoạch chưa tính đến biến đổi khí hậu
Các lĩnh vực khác như giao thông vận tải, xử lý chất thải… tại TP HCM cũng đang được hỗ trợ rất nhiều từ các nước để xây dựng những giải pháp ứng phó BĐKH. Tuy nhiên, ông Lý Khánh Tâm Thảo, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, nhận xét quy hoạch đến năm 2025 dù đã tích hợp các điều kiện địa chất, thủy văn vào định hướng phát triển của TP nhưng chưa xét tới rủi ro, ảnh hưởng của BĐKH.
Theo ông Thảo, đến nay, TP vẫn chưa có quy định hay hướng dẫn cụ thể hóa các định hướng cơ bản về BĐKH vào quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Trong khi đó, thực tế đang diễn ra là các hoạt động phát triển kinh tế đang góp phần làm trầm trọng thêm BĐKH. Như vậy, liệu có mâu thuẫn giữa các tiêu chí quy hoạch đô thị ứng phó BĐKH với lợi ích kinh tế hay không, làm thế nào thúc đẩy các quy hoạch đô thị có tính ứng phó với BĐKH?
Ông Thảo đề xuất nên xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi như cộng thêm hệ số sử dụng đất, miễn giảm thuế… cho các dự án quy hoạch đô thị theo tiêu chí ứng phó BĐKH. TP HCM cũng nên có những nghiên cứu và dự án thí điểm về hiệu quả chi phí - lợi ích khi tích hợp các giải pháp ứng phó BĐKH.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP, với sự hỗ trợ của Trường ĐH Kỹ thuật Brandenburg - CHLB Đức, đã hoàn thành cuốn cẩm nang Hướng dẫn thích ứng quy hoạch đô thị ứng phó với BĐKH cho TP. Cuốn cẩm nang đưa ra giải pháp quy hoạch chủ yếu ở khu đất và công trình xây dựng, kèm theo một số ít giải pháp ở cấp quận - huyện, thành phố.
Nhiều dự báo chưa đúng
Ông Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng BĐKH TP Cần Thơ, cho rằng dường như mọi người đang ngầm hiểu và ngầm chấp nhận BĐKH, còn trên thực tế thì không thấy “diện mạo” của nó tại TP HCM ra sao. Hiện nay, các phương án ứng phó ở TP HCM nói riêng và cả nước nói chung đều xây dựng theo kịch bản BĐKH của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, kịch bản này lại lấy từ Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC), trong đó nhiều dự án báo cáo hiện không đúng trong thực tế.
Ông Vinh dẫn chứng: Theo IPCC, nhiệt độ cao nhất và lượng mưa tại TP Cần Thơ sẽ gia tăng. Tuy nhiên, số liệu thống kê tại Cần Thơ trong 30 năm qua cho thấy nhiệt độ cao nhất chẳng những không tăng mà còn có xu hướng giảm, trong khi nhiệt độ thấp nhất lại có chiều hướng tăng. Nếu nhiệt độ thấp nhất tăng thêm 1oC thì sản lượng lúa giảm 10%. Thời gian qua, do kỹ thuật canh tác tốt nên sản lượng lúa chưa giảm nhưng chỉ trong thời gian ngắn nữa, kỹ thuật cũng không chống lại được tác động của BĐKH. Bên cạnh đó, lượng mưa tại TP Cần Thơ trong 30 năm qua cũng giảm, trong khi mực nước ngập cao hơn rất nhiều so với mô hình của IPCC.
Một đại biểu khác cũng cho biết nếu nói nước biển dâng thì khu vực cửa biển phải thay đổi. Thế nhưng, mực nước tại TP Vũng Tàu trong 30 năm qua gần như không thay đổi quanh mức 1,5 m. Trong khi đó, các khu vực nội đô thì mực nước liên tục dâng cao.
Mốc quốc gia đang lún Ông Phan Công Bằng, Trưởng Phòng Quản lý giao thông thủy Sở Giao thông Vận tải TP HCM, lo ngại: “Hệ mốc quốc gia cũng đang bị lún. Trong số 15 mốc, chỉ 9 mốc bảo đảm, 6 mốc còn lại có dấu hiệu lún rất nhiều. Chúng tôi đã cảnh báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để có những đo đạc, đánh giá cụ thể”. |
Bình luận (0)