Sau khi Bộ Tài nguyên và môi trường (TN-MT) công bố kết quả hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung sau thảm họa ô nhiễm do Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) gây ra, một số ý kiến thắc mắc không hiểu cơ chế tự đào thải chất độc của biển như thế nào, liệu các chất độc trong biển sẽ bay hơi, hòa tan hay phát tán. Vấn đề này, GS-TS Mai Trọng Nhuận (ĐH Quốc gia Hà Nội) – người thay mặt nhóm chuyên gia nghiên cứu của Bộ TN-MT lý giải: trong môi trường biển, dòng chảy có thể làm loãng các hợp chất như cyanua, phenol cùng với đó là sự tương tác giữa nước biển và các hợp chất này khiến nó bị phân hủy tự nhiên.
Ngư dân miền Trung vẫn hết sức khốn khó sau sự cố ô nhiễm do Formosa gây ra
Tuy thế, ông Nhuận cho hay chúng ta không thể chờ biển tự làm sạch mà cần có sự can thiệp của khoa học công nghệ, việc này sẽ được triển khai trong gian đoạn 2. “Việc đầu tiên và quan trọng của giai đoạn tiếp theo mà Bộ TN-MT đang làm là giám sát nguồn thải, đánh giá khả năng tự làm sạch tự nhiên và chắc chắn tự nhiên sẽ không tự làm sạch được. Giai đoạn 2 sẽ được thực hiện ngay sau đây và sẽ lựa chọn những nơi môi trường ô nhiễm cao chứ không làm dàn trải” – ông Nhuận cho hay.
Theo ông Nhuận, Việt Nam chưa từng thực hiện các biện pháp để làm sạch biển nhưng có thể tham khảo kinh nghiệm từ các nước trên thế giới. “Tại Nhật Bản, họ có hẳn hệ thống công nghệ xử lý bùn biển, cái này khó nhất, vừa hút bùn lên nhưng không được phát tán độc tố, không hủy diệt sinh thái, sau đó xử lý bồi hoàn trở lại. Mức giá cho công nghệ này là 500 USD/m3 nhưng hy vọng ở chúng ta sẽ rẻ hơn. Mỹ cũng có những công trình tường tự. Hy vọng trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế, đánh giá tính đặc thù ở Việt Nam thì chúng ta sẽ có giải pháp công nghệ phù hợp” – ông Nhuận nói.
Trước câu hỏi việc xử lý làm sạch biển tốn kém như vậy, thủ phạm gây ra là Công ty Formosa có phải bỏ kinh phí để thực hiện hay họ chỉ bồi thường vài trăm triệu USD là xong, ông Nhuận cho biết sau khi nghiên cứu biện pháp phù hợp sẽ đề xuất Chính phủ xem xét.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, sau hơn 4 tháng Công ty Formosa xả thải gây thảm họa ô nhiễm môi trường biển miền Trung, hôm qua (23-8) tại tỉnh Quảng Trị, Bộ TN-MT cùng các bộ ngành liên quan công bố hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên – Huế. Theo đó, đến nay các thông số môi trường biển đều nằm trong ngưỡng cho phép. Người dân có thể an tâm tắm biển, hoạt động thể thao, nuôi trồng thủy hải sản. Tuy nhiên, câu hỏi cá ngư dân đánh bắt ở vùng biển này đã ăn được hay chưa vẫn đang bị bỏ ngõ.
Bình luận (0)