Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu giảm 10% chi thường xuyên, cắt 100% dự án không nằm trong quy hoạch, cắt 100% lễ khởi công, động thổ công trình không quan trọng. Một quyết định rất mới và ban hành rất sớm, phù hợp với xu hướng lãng phí đang không có dấu hiệu thuyên giảm sau nhiều năm chúng ta hô hào khẩu hiệu.
Câu chuyện TP Hà Nội siết lại quy trình chăm sóc cây xanh và đã cắt giảm được kinh phí tới 40,38% nhận được đồng tình của dư luận. Rõ ràng ngân sách không thể tiếp tục chi cho những hoạt động lãng phí như thế. Chỉ có 24 km ở đại lộ Thăng Long mà 1 năm, riêng tiền cắt cỏ và tỉa cây đã lên tới 53 tỉ đồng.
Hay như câu chuyện Trung tâm Hành chính Đà Nẵng. Ngay từ khi có ý định đầu tư năm 2007, nhiều ý kiến chuyên gia lúc đó đã phản biện cho là quá lãng phí. Hơn nữa, tòa nhà quá cao nên việc liên hệ của người dân với cơ quan công quyền gặp khó khăn. Nhưng Đà Nẵng vẫn quyết xây. Để rồi chỉ sử dụng mới 3 năm lại đề xuất di dời vì nóng quá, thiếu không khí khiến công chức chịu không được. Được biết chi phí tiền điện điều hòa tòa nhà này khoảng 1 tỉ đồng mỗi tháng.
Việc Đà Nẵng “chơi sang” đã kích hoạt “hội chứng” thi nhau xây trụ sở hoành tráng ngàn tỉ ở nhiều tỉnh, thành. Theo báo cáo kết quả kiểm toán năm 2015 vừa được Kiểm toán Nhà nước gửi các đại biểu Quốc hội vào cuối tháng 7 vừa qua, tòa nhà Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng từ chỗ 880 tỉ đồng theo kế hoạch đã “đội vốn” lên hơn 2.131 tỉ đồng (tăng 142%). Ngoài ra, hàng loạt trụ sở hành chính của khối cơ quan nhà nước cũng nằm trong diện tăng vốn “khủng”.
Mặc dù rất khó khăn nhưng hằng năm, ngân sách nhà nước vẫn chi nhiều khoản không cần thiết như: tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ khởi công, khánh thành, các lễ hội, mua sắm ô tô và các tài sản không cần thiết... Ngân sách nhà nước cũng phải “oằn mình” chi trả các công trình chưa cần thiết hoặc khai thác không hiệu quả như: bảo tàng, sân vận động, trụ sở cơ quan. Ngoài ra, các công trình, dự án hạ tầng (sử dụng vốn ngân sách nhà nước) được thực hiện với chi phí đắt nhất thế giới nhưng chất lượng kém phải tốn rất nhiều chi phí bảo trì. Chi tiêu lãng phí dẫn đến ngân sách bội chi trong nhiều năm, nợ công tăng lên mốc 64% (gần vượt ngưỡng an toàn) nhưng hiệu quả kinh tế đạt được rất thấp.
Tham nhũng và lãng phí, đều là những vấn nạn làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với hoạt động quản lý của nhà nước và trực tiếp tác động tiêu cực đến sự ổn định chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, những quan chức góp phần gây lãng phí đều đáng bị lên án và phải chịu trách nhiệm trước dân vì thói vung tay quá trán của mình.
Bình luận (0)