Ngày 6-5, UBND TP HCM đã có Công văn số 2088 kết luận, chỉ đạo xử lý cán bộ liên quan đến hoạt động xây dựng, cấp phép xây dựng sai quy định, tiến tới thanh tra toàn diện lĩnh vực này ở huyện Bình Chánh. Cứ ngỡ công văn này sẽ khiến tình trạng xây nhà trái phép, không phép ở địa phương này phải lắng nhưng thực tế không phải vậy!
Lộng hành
Trong 2 ngày 10 và 11-5, phóng viên Báo Người Lao Động đã vào vai người mua đất xây nhà để ghi nhận tình hình xây dựng không phép ở Bình Chánh. Khoảng 9 giờ ngày 11-5, chúng tôi hẹn “cò” Hùng - người chuyên thầu xây nhà không phép.
“Cò” Hùng nói mặc dù tại xã Đa Phước đang bị cấp trên “trảm” nhưng vẫn có cách xây nhà trên nền đất nông nghiệp và đất ruộng. Để chứng minh lời nói của mình, “cò” Hùng dẫn chúng tôi vào một con hẻm có tên D14 thuộc ấp 4, xã Đa Phước - nơi Hùng đang “bảo kê” xây dựng một số căn nhà không phép nằm trên đất ruộng.
Vừa tới đầu hẻm, “cò” Hùng chỉ tay vào một căn biệt thự khá mới, nói: “Căn biệt thự to “chà bá” mà tôi còn xây không phép được nói chi mấy căn nhỏ nằm sâu trong hẻm. Biệt thự xây ngay trên mảnh ruộng đấy”. Nói xong, “cò” Hùng tiếp tục chỉ tay vào một nền kế bên vừa mới xây móng nhà: “Còn đây là căn biệt thự đang tiếp tục xây cho chủ khác”.
Tiếp đến, “cò” Hùng cho xe chạy sâu vào bên trong hẻm, cách Quốc lộ 50 khoảng 1 km. Điểm dừng là một ụ đất và gạch nằm lăn lóc. Tại đây, một người đàn ông được phân công túc trực để canh lực lượng chức năng. “Cò” Hùng cho biết phải đổ vật liệu thật xa nơi xây dựng, khi cần sẽ chở một ít vào bên trong.
Nói về quy trình xây nhà như thế nào, “cò” Hùng mách nước: “Dễ ẹt. Trước tiên mua tôn cũ về dựng thành khung nhà, nhìn từ bên ngoài sẽ thấy đây là một công trình tạm bợ. Nhưng về đêm hoặc đợi khi vắng người sẽ cho xây nhà lên”. “Cò” Hùng nói cách này khá phổ biến. Bên trong lát gạch men, kiên cố và khá thoáng mát nhưng đứng bên ngoài thì thấy là nhà tôn cũ kỹ, xấu xí. Đây là kiểu nhà kiên cố núp bóng nhà tạm bợ. “Cò” Hùng báo giá với chúng tôi, nếu “bao” luôn việc chính quyền “im lặng” để yên bề xây nhà thì mất 10-20 triệu đồng, còn giá xây nhà được tính theo diện tích và kiến trúc bên trong.
Theo khảo sát của chúng tôi, tại khu vực xã Vĩnh Lộc A, xã Tân Quý Tây (huyện Bình Chánh) hiện cũng tồn tại hiện tượng lén lút xây nhà không phép. Quy trình xây dựng cũng khá giống với cách làm của “cò” Hùng.
Chúng tôi có cuộc trao đổi qua điện thoại với “cò” Tâm. Người này khoe: “Cánh của tôi khá mạnh, quen này, quen nọ nên yên tâm đi. Bây giờ xây nhà có phép hơi khó, phân lô, tách thửa cũng khó. Tôi chỉ có thể giúp anh bằng việc xây nhà “ngụy trang”, cứ việc vào đó ở thời gian dài, người ta quen mặt rồi tháo tôn ra là được”.
Qua chỉ dẫn để chứng minh là mình có “uy” của “cò” Tâm, chúng tôi đi vào đường Nữ Dân Công (xã Vĩnh Lộc A) tìm đến những cánh đồng gần đó bắt gặp hàng loạt căn nhà xây dựng bên ngoài tôn, bên trong gạch kiên cố. Có những căn vừa mới xây dựng xong.
Làm gì có (?!)
Tình trạng xây nhà không phép ở Bình Chánh đang gây bức xúc trong dư luận, thế nhưng trong một lần trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Huỳnh Văn Phạm Hồng, Chánh Văn phòng UBND huyện Bình Chánh, khẳng định: “Tình trạng xây nhà không phép ở huyện Bình Chánh không còn tồn tại”. Ông Hồng thừa nhận với phóng viên rằng lâu nay vấn đề nhà không phép là “u nhọt” của địa phương. Đã có nhiều cán bộ phụ trách lĩnh vực liên quan đến địa chính, đất đai bị kiểm điểm, thậm chí đuổi việc.
Chúng tôi hỏi: Vậy vì sao ông lại qua mặt chủ tịch UBND huyện để ký cho tồn tại một số công trình sai phép, không phép mà Công văn số 2088 của UBND TP đã nêu (Báo Người Lao Động ngày 11-5 đã phản ánh qua bài viết “Thanh tra toàn diện xây dựng ở Bình Chánh, TPHCM”)? Ông Hồng lý giải do nghĩ đó là văn bản bình thường và muốn đẩy nhanh tiến độ báo cáo nên đã không xin ý kiến cấp trên. Ông Hồng thừa nhận sai sót và khẳng định bản thân không có dấu hiệu tiêu cực trong vấn đề này.
Đặc biệt, khi nghe phóng viên đưa ra những thông tin về việc hiện nay vẫn tồn tại xây nhà không phép trên địa bàn huyện, ông Hồng lại “xin địa chỉ để tham mưu cho lãnh đạo huyện tiến hành xử lý, cho tạm ngưng xây dựng” (?!).
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên về hướng xử lý cán bộ vi phạm trong lĩnh vực xây dựng theo tinh thần Công văn số 2088 của UBND TP, ông Võ Văn Quận - Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh - cho biết vẫn chưa nhận được Công văn 2088 của UBND TP HCM.
Tuy nhiên, ông Quận nêu rõ quan điểm sẽ thực hiện đúng theo chỉ đạo của UBND TP, sai đâu sẽ xử lý đó, tuyệt đối không bao che cho cán bộ.
Lãnh đạo UBND xã Đa Phước thì thừa nhận nhiều công trình trên địa bàn mình quản lý xây dựng không đúng quy định. Người ký cấp phép xây dựng sai mà công văn của UBND TP nêu là ông Nguyễn Văn Thành - nguyên Chủ tịch UBND xã.
Ông Đỗ Văn Khê, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Phước, nói: Nguyên nhân dẫn đến sai phạm là do cán bộ tham mưu không đúng. Xã đã kỷ luật khiển trách cán bộ địa chính và người tham mưu (?!).
Bình luận (0)