Sáng 14-1, ông Cao Văn Thọ - Chủ tịch UBND xã Ea Trul, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk - cho biết đã tìm thấy thi thể anh Phan Xuân Quyền (SN 1993, ngụ xã Ea Trul), nạn nhân cuối cùng trong vụ chìm thuyền ngày 11-1 ở địa phương này.
Những tai nạn thương tâm
Nạn nhân được tìm thấy vào rạng sáng 14-1 trên sông Krông Ana, cách nơi xảy ra lật thuyền khoảng 3 km. Trước đó, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể 2 người cùng tử nạn trong vụ chìm thuyền này là bà Nguyễn Thị Định và Nguyễn Thị Bích (cùng ngụ huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk). Vụ tai nạn xảy ra khoảng 17 giờ 30 phút ngày 11-1, khi chiếc thuyền chở 21 người dân đi làm về qua sông Krông Ana (xã Ea Trul, huyện Krông Bông) thì bị chìm khiến 3 người chết.
Tìm kiếm thi thể nạn nhân mất tích trong vụ chìm thuyền ở xã Ea Trul, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk
Theo đại tá Bùi Xuân Ngọc, Trưởng Công an huyện Krông Bông, cơ quan chức năng đã khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai của những người liên quan. “Đây là vụ việc nghiêm trọng, cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành thu thập tài liệu, nếu có dấu hiệu hình sự thì phải xử lý” - đại tá Ngọc nói.
Sáng 1-1, cũng xảy ra vụ lật thuyền trên hồ thủy điện Đắk N’Teng, xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông làm 3 người chết. Hôm đó, anh Đặng Anh Quốc (SN 1980), chị Lý Thị Mai (SN 1984, vợ anh Quốc) cùng 2 con là Đặng Anh Giáp (SN 2007), Đặng Thị Thảo Vy (SN 2011) và anh Lý Văn Tiến (SN 1987, em vợ anh Quốc) đi trên 1 chiếc thuyền để qua hồ thủy điện Đắk N’Teng thì bị lật. Anh Quốc đã đưa vợ và cháu Thảo Vy lên bờ nhưng khi quay lại thì đuối sức nên cùng anh Tiến và cháu Giáp tử vong.
Chết người rồi mới… ưu tiên
Theo ông Cao Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Ea Trul, chiếc thuyền này do Công an tỉnh Đắk Lắk tặng UBND xã. Xã đã ký hợp đồng với ông Lê Văn Đấu (SN 1976; ngụ thôn 2, xã Ea Trul) để ông này chuyên chở người dân qua sông và vận chuyển nông sản. Hợp đồng được ký 2 tháng một lần và hiện đã hết hạn. Chiều 11-1, ông Trần Văn Học (SN 1977; ngụ thôn 2, xã Ea Trul) điều khiển chở 21 người thì gặp nạn.
Cũng theo ông Thọ, bên kia sông có khoảng hơn 120 hộ dân đang canh tác. Trước đây, tại khúc sông này, người dân tự lắp đặt cáp treo đu qua để sản xuất và vận chuyển nông sản. “Sau khi xảy ra vụ tai nạn cáp treo ở xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) làm 1 người chết, thấy nguy hiểm, xã Ea Trul đã cấm và cho tháo dỡ cáp treo tự phát. Sau khi được tặng thuyền, chúng tôi giao cho người dân sử dụng nhưng lại xảy ra tai họa” - ông Thọ nói.
Điều đáng nói, toàn bộ số người trên thuyền bị lật ở Đắk Lắk đều không được trang bị áo phao. Cả ông Lê Văn Đấu và Trần Văn Học đều không có giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường thủy nhưng chính quyền địa phương vẫn giao nên dẫn đến tai họa.
Theo một người dân địa phương, trước khi được tặng chiếc thuyền này, người dân qua sông bằng dây cáp treo. Có nguy hiểm nhưng dù sao cáp treo hạn chế được số người qua lại và mỗi lần sang sông chỉ 1 người. “Những tưởng khi có thuyền lớn thì chúng tôi sẽ được an toàn, nào ngờ tai họa lại lớn hơn” - người này nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Công Du, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk, cho biết sau khi xảy ra một số vụ tai nạn cáp treo, Bộ Giao thông Vận tải đã có đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh thay thế cáp treo. Tỉnh Đắk Lắk có 9 cây cầu treo được xây dựng và đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Tại vị trí xảy ra tai nạn, cơ quan chức năng cũng đã có dự án xây dựng 1 cây cầu treo dài 80 m, rộng 3,5 m thuộc dự án Đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương. Tại tỉnh Đắk Lắk, dự án này có tổng cộng 116 cây cầu với tổng số vốn 193 tỉ đồng, chia ra làm 3 giai đoạn ưu tiên. Giai đoạn đầu xây dựng 32 cầu sẽ được triển khai xây dựng vào quý I/2017. Do nguồn vốn khó khăn nên giai đoạn này chưa đưa cây cầu nơi xảy ra tai nạn vào danh mục. Sau khi xảy ra tai nạn, sở đã xuống hiện trường nắm thông tin và sẽ đề xuất ưu tiên xây cây cầu này trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, thủ tục thay đổi cũng rất khó khăn nên chưa biết có được đồng ý hay không. “Ban đầu, chúng tôi đề xuất xây dựng hơn 430 cây cầu nhưng chỉ được 116 cây cầu. Do đó, còn nơi người dân phải qua lại bằng các phương tiện tự phát, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn” - ông Du nói.
Nhiều người chết trên hồ thủy điện
Nhiều năm nay, gần 400 hộ dân xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum phải khốn khổ vượt hồ thủy điện Pleikrông qua xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum để làm khoảng 400 ha rẫy. Các hộ dân này đều ở làng Kon Gung và Đắk Mút. Cứ từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, lòng hồ ngập chìm trong nước. Muốn đi làm rẫy, người dân chỉ còn cách di chuyển bằng thuyền, sà lan. “Thuyền nhỏ thì gió thổi lật nên chúng tôi không dám đi, mà đi thuyền lớn thì rất tốn kém” - ông Rơ nói. Theo ông A Vải, Trưởng thôn Kon Gung, từ năm 2008 đến nay đã có 5 người chết tại hồ thủy điện. Tuy đi lại trên hồ thủy điện rất nguy hiểm nhưng người dân phải liều mà đi vì nếu không thì không làm rẫy được, dẫn đến không có cái ăn.
H.Thanh
Bình luận (0)