Trung tâm Bảo trợ xã hội Cơ sở 3 (gọi tắt là trung tâm) thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Bình Dương đang nuôi dưỡng hơn 10 trẻ, đa phần ham chơi nên đi bụi và đi lạc, thậm chí bị cha mẹ bỏ rơi. Dù cơ quan chức năng đã liên lạc được với cha mẹ các em nhưng không hiểu sao họ chẳng đến đón về.
“Mẹ bỏ con đi đâu mất rồi”
“Vì sao cháu ở đây, ba mẹ đâu?”. Chúng tôi hỏi một cậu bé chừng 5 tuổi có khuôn mặt dễ thương đang được nuôi tại trung tâm. Cháu trả lời lắp bắp: “Mẹ bỏ con đi đâu mất rồi. Mấy chú công an bắt con về đây”! Chúng tôi hỏi tiếp: “Cháu biết mẹ tên gì không?”. Cậu bé nhíu mày, đáp ngây ngô: “Mẹ tên là mẹ”.
Theo một cán bộ trung tâm, cách đây gần một tháng, cậu bé được Công an phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương phát hiện đứng thẫn thờ gần đồn công an. Cậu bé cho biết bị mẹ chở đến bỏ đó. Công an giữ bé lại chờ nhiều giờ nhưng không thấy người thân đến đón. Không còn cách nào khác, cơ quan công an phải đưa cậu bé về trung tâm. Cán bộ trung tâm nhanh chóng nhận ra cậu bé tên Nguyễn Trương Gia Bảo vì cháu từng bị bỏ rơi và được đưa về trung tâm. Sau đó, người thân của Gia Bảo đến làm đơn bảo lãnh về.
Ông Nguyễn Văn Sa, cán bộ trung tâm, cho biết mẹ của Gia Bảo lúc trước cư ngụ tại phường Phú Cường nhưng hiện nay sống ở đâu không rõ. Còn cha của Gia Bảo là đối tượng liên quan đến ma túy, từng bị bắt giam và hiện đã tự do. Vừa qua, cha của Gia Bảo có đến trung tâm hỏi han tình trạng của cháu. Cán bộ trung tâm yêu cầu người này về địa phương xác nhận giấy tờ để làm thủ tục bảo lãnh con về. Sau đó, không hiểu vì sao cha của Gia Bảo chẳng đến.
Càng lớn càng buồn
Bà Nguyễn Thị Đẹp, Phó Giám đốc trung tâm, tâm sự: “Tôi để ý thấy mấy cháu ở đây càng lớn càng buồn. Các cháu hay suy nghĩ, nhớ nhà, nhìn mông lung, thấy tội nghiệp lắm!”. Một trong những trẻ hay buồn nhất tên là Đăng, 15 tuổi. Trước đây, Đăng mê game, trốn đi bụi rồi được gom về trung tâm. Cán bộ trung tâm dò tìm và xác định trên giấy tờ Đăng là con của một nữ công nhân đang làm việc tại KCN Việt Nam - Singapore 2 (Bình Dương). Khi cán bộ trung tâm đến công ty yêu cầu mẹ Đăng bảo lãnh cháu về thì công nhân này cho rằng mình chỉ là mẹ nuôi. Theo đó, Đăng do một nữ công nhân khác sinh ra. Vì quá nghèo và đơn thân, chị này đã tặng con cho đồng nghiệp nuôi rồi bỏ việc về quê ở miền Bắc. Hiện không ai nhìn nhận Đăng là con ruột nên cậu bé phải lưu lại trung tâm.
“Con người ta sinh ra phải có cội nguồn. Thấy nhiều đứa trẻ kêu nhớ nhà, nhớ cha mẹ nên tôi cất công đi tìm gia đình các cháu nhưng nhiều người than khổ, không đủ sức đón con về nuôi dạy. Có người hứa sẽ đến đón con nhưng cuối cùng không thèm tới nhìn mặt” - ông Nguyễn Văn Sa chua xót. Trường hợp của cháu Lê Thành Tâm (thường gọi Tý) là một điển hình. Tý kể với ông Sa mình là con một người đàn ông chăn vịt dưới cầu Sắn (huyện Củ Chi, TP HCM). Ông Sa tới khu vực trên thì gặp một người đàn ông chăn vịt. Ban đầu, ông này nhận là cha ruột của Tý. Khi cơ quan chức năng yêu cầu trưng những giấy tờ chứng thực quan hệ cha con thì ông này thú nhận Tý là con của một người bạn gửi mình nuôi. Sau đó, cha ruột của Tý đã liên lạc qua điện thoại với ông Sa. “Cha của Tý khóc trên điện thoại, nói rằng phải xuống Bà Rịa - Vũng Tàu mưu sinh và hứa sẽ đến trung tâm đón Tý liền. Vậy mà nửa tháng rồi không thấy đâu” - ông Sa kể.
Nghiện game dẫn đến tâm thần!
Một cán bộ trung tâm cho biết nhiều trẻ trộm cắp đồ đạc của gia đình đem bán để có tiền chơi game online, do sợ cha mẹ đánh đập nên bỏ nhà đi bụi. Đặc biệt, mới đây có trường hợp mê game online đến phát điên, đó là cháu B.V.T, ngụ phường Định Hòa, TP Thủ Dầu Một. “Khi vào trung tâm, T. liên tục nói cho con ra để đi cho rồng ăn!” - một cán bộ trung tâm kể. Do T. liên tục quấy phá và đòi chơi game nên trung tâm phải chuyển cháu đến chuyên khoa tâm thần điều trị.
Bình luận (0)