Trao đổi với Báo Người Lao Động trưa 16-7, GS-TS Nguyễn Tiến Bình, Giám đốc Học viện Quân y, cho biết sau hơn 1 tuần điều trị tích cực tại Viện Bỏng Quốc gia, vết thương của 3 chiến sĩ đặc công bị thương trong vụ trực thăng rơi ngày 7-7 vừa qua tại huyện Thạch Thất (Hà Nội) vẫn rất nặng.
Theo GS Bình, những ngày qua, sau khi cắt bỏ chi hoại tử, các chiến sĩ tiếp tục được lọc máu, phác đồ điều trị cũng được bổ sung thêm nhiều loại kháng sinh mạnh để chống bội nhiễm. Hiện cả 3 chiến sĩ vẫn đang bị nhiễm trùng, nhiễm độc rất nặng, đang phải thở máy, cho dùng thuốc an thần và không thể nói trước được điều gì. Tuy vậy, mọi người đang rất hy vọng tình trạng của các chiến sĩ sẽ được tốt hơn. Những ngày qua các bác sĩ giỏi, các trang thiết bị máy móc hiện đại cũng đã được dành để cứu chữa cho các chiến sĩ.
Chiến sĩ bị thương nặng đều là chiến đấu viên Tiểu đoàn 18 đặc công thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô, gồm: Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1981, quê ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang), chẩn đoán đa chấn thương, bỏng lửa 74%, bỏng hô hấp; Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Đinh Văn Dương (sinh năm 1983, quê ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) chẩn đoán đa chấn thương, bỏng lửa 53%, bỏng hô hấp; Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Hoàng Anh (sinh năm 1981, quê ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), chẩn đoán đa chấn thương, bỏng lửa 52% ở mặt, chân, chi, bỏng hô hấp; gãy 1/3 dưới xương cẳng chân, vỡ xương sọ.
Trước đó khoảng 7 giờ 45 phút ngày 7-7, máy bay trực thăng Mi 171 mang số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân trực thăng 916, Sư đoàn Không quân 371, thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân chở 21 cán bộ, chiến sĩ bay huấn luyện nhảy dù do sự cố kỹ thuật, trực thăng rơi tại địa phận thôn xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Phi công đã cố gắng điều khiển máy bay ra xa khu vực đông dân cư trước khi trực thăng rơi xuống đất. Vụ tai nạn máy bay thảm khốc đã khiến 16 cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại hiện trường, 5 chiến sĩ bị thương được chuyển đến điều trị tại Viện bỏng quốc gia nhưng do bị thương quá nặng, 2 chiến sĩ đã hy sinh.
Ngày 9-7 Viện Bỏng quốc gia đã hội chẩn liên viện với đại diện các Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Quân đội 108, Vinmec... để đưa ra giải pháp điều trị tốt nhất cho 3 chiến sĩ bị thương trong vụ máy bay rơi đang được điều trị tại viện này.
Ngày 11-7, Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức lễ truy điệu tập thể cho các chiến sĩ đã hy sinh tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Lê Thánh Tông, Hà Nội với các nghi lễ trọng thể của quân đội.
Các đơn vị quân đội có chiến sĩ hy sinh trong vụ tai nạn trực thăng vừa qua cũng đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để gửi Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội ra quyết định công nhận liệt sĩ, đồng thời có những chế độ, chính sách thiết thực để động viên, hỗ trợ gia đình các chiến sĩ còn gặp khó khăn.
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng ký quyết định truy tặng và tặng thưởng Huân chương Chiến công cho những người hy sinh và bị thương trong vụ rơi trực thăng Mi 171 tại Hòa Lạc.
Bình luận (0)