Chiều 11-3, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã chủ trì buổi lấy ý kiến đóng góp về dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ, đường sắt.
Trong khi đó, ông Trần Sơn Hà - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) - cho biết, chỉ khi thực hiện Nghị định 71 với mức xử phạt tăng cao thì người dân mới phản ứng, còn trước đây không có vấn đề gì. Ông Hà cho rằng nhất thiết việc xử phạt phải tiếp tục được đưa vào nghị định xử phạt mới để tránh tình trạng Luật Giao thông đường bộ quy định nhưng lại không có quy định xử phạt.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng việc rút quy định xử phạt lỗi không sang tên đổi chủ phương tiện đã được cân nhắc kỹ lưỡng từ ý kiến đóng góp của nhân dân. Nếu các bộ, ngành không thống nhất được về nội dung này sẽ phải xin ý kiến Chính phủ và Chính phủ biểu quyết mới ban hành nghị định.
Như vậy, việc xử phạt đối với lỗi không sang tên đổi chủ phương tiện sẽ được thực hiện trong thời gian hơn 2 tháng theo tinh thần Thông tư 11/2013 (có hiệu lực từ ngày 15-4). Theo đó, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ không được dừng xe đang lưu thông trên đường để kiểm soát, xử lý hành vi không sang tên đổi chủ theo quy định.
Việc xem xét xử phạt đối với hành vi này chỉ được thực hiện thông qua công tác đăng ký, cấp biển số; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (xử phạt qua hình ảnh - PV); các trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ theo quy định.
Ngoài ra qua điều tra các vụ án hình sự, nếu phát hiện người mua, bán xe không làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe theo quy định tại thông tư của Bộ Công an về đăng ký xe của Bộ Công an thì phải xác minh, xác định rõ hành vi vi phạm “mua, bán xe không sang tên”.
Tuy nhiên, Thông tư 11 sẽ chỉ có hiệu lực trong thời gian hơn 2 tháng và sẽ hết hiệu lực từ ngày 30-6, khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực (ngày 1-7). Và việc có tiếp tục xử phạt lỗi không sang tên đổi chủ hay không sẽ phải chờ Chính phủ quyết.
Bình luận (0)