Sáng 24-4, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cùng lãnh đạo một số bộ, địa phương đã tham gia phiên giải trình tại Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về thực trạng vi phạm hành chính và các giải pháp khắc phục trong lĩnh vực GTVT đường bộ. Hàng loạt vấn đề nóng bỏng, đang gây bức xúc trong dư luận đã được mổ xẻ với nhiều chất vấn gai góc dành cho vị “tư lệnh” ngành GTVT.
Không đồng tình với đề xuất tăng xử phạt
Báo cáo tổng hợp của Bộ GTVT và Bộ Công an cho biết trong năm 2011 đã xảy ra gần 50.000 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết hơn 12.000 người, bị thương hơn 54.000 người. Ba tháng đầu năm 2012, tuy số vụ tai nạn có giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng số vụ tai nạn và thiệt hại vẫn ở mức cao. Trong khi đó, số vụ ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội vẫn chiếm khoảng 22% tổng số vụ ùn tắc trên cả nước, TPHCM là 17%...
Đưa ra nhiều giải pháp để xử lý nghiêm các vi phạm, giảm tai nạn, ùn tắc giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nhấn mạnh tới việc nâng trần mức phạt tối đa, đồng thời cho phép thanh tra viên, công an được tăng thẩm quyền xử phạt, tránh đẩy việc xử phạt lên cấp cao. “Cần nâng mức xử phạt của thanh tra viên và công an lên 2 triệu đồng, tịch thu và sung công đối với các hành vi nguy hiểm như đua xe trái phép mà không phân biệt chủ sở hữu” - Bộ trưởng Thăng đề nghị.
Nghe đến đây, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển thẳng thắn: “Bộ GTVT chưa nhìn thẳng vào một số vấn đề mà dư luận đặc biệt quan tâm, còn trốn tránh trách nhiệm. Đó là số vụ tai nạn, số người chết, số vụ ùn tắc giao thông vẫn không giảm nhiều so với trước đây”.
Ông Hiển phân tích: “Các đồng chí muốn tăng quyền, nâng mức xử phạt lên, tăng mức tiền đầu tư nhưng các đồng chí nói rất ít đến việc tăng trách nhiệm của các cán bộ làm công vụ.
Thanh tra Giao thông TPHCM kiểm tra giấy tờ xe của tài xế taxi tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: TẤN THẠNH
Bộ làm thế nào để nâng cao trách nhiệm của đội ngũ này, khi thời gian qua còn xảy ra nhiều hạn chế, tiêu cực, đặc biệt là thanh tra giao thông. Tôi thấy lực lượng thanh tra giao thông chưa làm hết trách nhiệm của mình, lấn sang cả việc của lực lượng CSGT...” - ông Hiển nói. Cũng theo ông Hiển, việc xử phạt hiện nay chưa thể hiện sự công bằng.
Đó là trong khi ở TPHCM, taxi được ưu ái hơn thì ở Hà Nội, taxi lại bị xử ép. Lực lượng công vụ chỉ nhắm phạt vào taxi, còn những xe xịn, biển số đẹp thì lại cho qua. Nhiều vụ tiền xử phạt vi phạm hành chính không chảy vào ngân sách Nhà nước…
Trong khi đó, phản bác đề nghị tăng mức phạt tối đa trong khi ngành GTVT chưa làm tốt việc quản lý, còn có tiêu cực trong xử lý vi phạm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên nói: “Đất nước đã nghèo nhưng các cơ quan quản lý lại đề nghị toàn biện pháp xử phạt nhiều tiền, tăng tiền phạt là không hợp lý. Chẳng lẽ không nghĩ ra biện pháp nào để xử phạt ít tiền mà vẫn hiệu quả hay sao?”.
Mong ngành GTVT sớm khắc phục yếu kém
Ông Nguyễn Văn Tiên cho biết rượu, bia được cả thế giới coi là thảm họa đối với giao thông. Tuy nhiên, số người chết, bị thương trên đường bộ liên quan đến sử dụng rượu, bia mà Bộ GTVT và Bộ Công an đưa ra (4%) có vẻ chưa trung thực.
Cũng theo ông Tiên, nhiều nước đã áp dụng biện pháp tạm giữ lái xe say rượu, thậm chí tại Hàn Quốc, lái xe say rượu phải đi tù 6 tháng.
Ông nói: “Bộ trưởng phải có quan điểm rõ ràng về việc này. Tôi còn nhớ khi Quốc hội thảo luận tác hại của rượu, bia thì Bộ GTVT im phăng phắc không nói gì cả. Không hiểu các đồng chí có nắm được đánh giá của các tổ chức quốc tế khi cho rằng 30% tai nạn giao thông chết người ở Việt Nam hiện nay có liên quan đến rượu, bia hay không?”.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đồng ý với ông Tiên về đề xuất tạm giữ ngay phương tiện, thậm chí tịch thu phương tiện và xem xét xử lý hình sự như một số nước đang thực hiện.
Phản ánh trong quản lý phương tiện giao thông còn nhiều tiêu cực, đại biểu Dương Trung Quốc cho biết ông vừa đi công tác tại một tỉnh miền núi phía Bắc và nhận thấy nạn xe quá khổ, chở quá tải tàn phá đường sá hết sức ghê gớm.
Ông Quốc đề nghị phải tính tới cơ chế bắt buộc doanh nghiệp có xe chở quá tải, quá khổ bỏ tiền ra bồi thường cho quãng đường họ đã phá hỏng.
Bộ trưởng Đinh La Thăng báo cáo về “Vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTVT đường bộ: Thực trạng và giải pháp” sáng 24-4 Ảnh: TTXVN
Thậm chí, tính tới cả giải pháp tịch thu phương tiện quá tải gây hư hỏng đường. Ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đánh giá công tác đăng kiểm yếu kém, nhiều tiêu cực đã “giúp” không ít ô tô không đạt tiêu chuẩn lưu thông trên đường, gây tai nạn và phá hoại đường sá.
Thừa nhận vấn đề, ông Thăng cho biết chủ xe, lái xe không ý thức được việc đưa xe đi đăng kiểm định kỳ, thậm chí đến kỳ phải đăng kiểm thì lập tức tìm mọi cách để “qua”.
“Tư lệnh” ngành giao thông cũng thừa nhận việc một số cán bộ đăng kiểm tiêu cực, hạ thấp tiêu chuẩn đăng kiểm và cho phép đưa ô tô không đạt chuẩn ra lưu hành.
“Chúng tôi đã phát hiện một số cán bộ có sai phạm và đã xử lý nghiêm minh từ cảnh cáo tới buộc thôi việc” - ông Thăng nói và cho biết sắp tới sẽ hiện đại hóa công tác đăng kiểm để giám sát chặt chẽ hơn.
Bộ trưởng Đinh La Thăng sau khi trả lời hàng chục câu hỏi chất vấn khá gai góc, dù không làm thỏa mãn người chất vấn nhưng cũng đã công khai nói lời xin lỗi Đảng, Chính phủ, người dân vì những vấn đề tồn tại trong ngành giao thông, đặc biệt là những yếu kém trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản dẫn đến nhiều công trình tiền tỉ nhanh chóng hư hỏng, xuống cấp, nhiều dự án chậm tiến độ, thất thoát tài sản…
Ông Nguyễn Sỹ Cương mong muốn ngành giao thông sớm khắc phục những hạn chế, tiêu cực, có giải pháp hiệu quả, phù hợp cho các lĩnh vực để tránh những câu trả lời kiểu “đang triển khai”, “sẽ khắc phục”, “đang nằm trong đề án” như tại phiên chất vấn này.
Cân nhắc thời điểm thu quỹ bảo trì đường bộ
Đại biểu Trần Ngọc Vinh nêu thực trạng: Bộ GTVT dùng tiền đầu tư vào các công trình giao thông gây thất thoát nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu để giải quyết nên ban hành thêm phí bảo trì đường bộ sẽ không tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết để giải quyết bài toán nâng cấp, sửa chữa, làm mới đường cần có sự tập trung của toàn xã hội và quỹ bảo trì đường bộ cũng chỉ là một giải pháp. “Thu quỹ bảo trì đường bộ thực chất để phục vụ hạ tầng giao thông tốt hơn.
Việc này cũng được thực hiện theo thông lệ của các nước trên thế giới đang làm. Tuy nhiên, giai đoạn này đang có khó khăn về kinh tế - xã hội nên cần cân nhắc về thời điểm đưa ra để toàn xã hội thấy là chấp nhận được” - bà Minh nói. |
Bình luận (0)