ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) chất vấn về tình trạng lao động nước ngoài không phép tràn vào Việt Nam và hệ luỵ - Ảnh chụp qua màn hình
Vấn đề quản lý và cấp phép lao động nước ngoài không có chuyên môn, nghiệp vụ, đã được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tập trung chất vấn Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Phạm Thị Hải Chuyền sáng nay 19-11.
ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) chất vấn “tư lệnh” ngành lao động trong khi hàng vạn sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm thì có tình trạng lao động nước ngoài không phép tràn vào Việt Nam, đáng chú ý là lao động nước ngoài không có trình độ, chuyên môn kỹ thuật cao, có cả những trường hợp vi phạm pháp luật nhập cảnh vào Việt Nam theo nhiều con đường khác nhau, cả đường mòn, lối mở chưa quản lý được. Có nhiều hệ luỵ từ quản lý không phép, Bộ đã nghiên cứu về vấn đề này thế nào?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết ngoài những lao động vào làm việc tại Việt Nam theo Nghị định 102/2013/NĐ-CP ngày 5-9-2013 của Chính phủ về quản lý lao động ngoài nước cũng có những lao động không có chuyên môn, nghiệp vụ nhưng các doanh nghiệp vẫn sử dụng, phần đông theo con đường du lịch, phần đông là lao động Trung Quốc.
“Hiện có khoảng 78.000 lao động nước ngoài ở Việt Nam, phần đông là lao động kỹ thuật, số ít không có kỹ thuật là lao động của Trung Quốc” - bà Chuyền khẳng định.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết trong 78.000 lao động nước ngoài ở Việt Nam, phần đông là lao động kỹ thuật, số ít không có kỹ thuật là lao động của Trung Quốc - Ảnh chụp qua màn hình
Vị “tư lệnh” ngành lao động cho rằng trong chương trình làm việc phối hợp các ngành liên quan, Bộ LĐ-TB-XH cũng đã ký kết với ngành công an thực hiện kiểm tra các đối tượng này để xử lý trục xuất theo quy định, yêu cầu các chủ sử dụng lao động phải công bố công khai tuyển dụng lao động.
“Vì theo quy định, nếu sau bao nhiêu ngày thông báo tuyển dụng mà không tuyển được lao động trong nước thì họ có quyền đưa lao động của họ vào để đáp ứng yêu cầu tiến độ công trình” - bà Chuyền nói.
Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) về trách nhiệm quản lý lao động ngoài nước, bà Chuyền cho biết theo Nghị định 102/2013/NĐ-CP, Bộ LĐ-TB-XH thực hiện chức năng quản lý nhà nước, xây dựng những văn bản hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện. “Việc người lao động nước ngoài có vào được hay không là do ngành công an. Việc quản lý trực tiếp lao động cũng như cấp phép lao động được giao cho chính quyền địa phương thực hiện” - Bộ trưởng Chuyền cho hay.
Đề nghị chưa thông qua Luật BHXH sửa đổi
Cho rằng Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi còn có sự bất bình đẳng khi ưu tiên những người lao động (NLĐ) làm việc trong khu vực nhà nước, xem nhẹ quyền lợi của những NLĐ làm việc trong khu vực ngoài nhà nước, ĐB Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai), đề nghị QH chưa thông qua Luật BHXH.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH về Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, ĐB Đặng Ngọc Tùng cho rằng NLĐ khi lĩnh lương coi như đã đóng xong BHXH và chủ doanh nghiệp (DN) không nộp BHXH đó cho cơ quan BHXH thì đó là trách nhiệm của chủ DN. Nhưng ngược lại, NLĐ không được hưởng chế độ vì lý do mà cơ quan BHXH đưa ra là DN chưa đóng BHXH.
“Tại sao NLĐ lại bị bắt làm “con tin” như vậy? trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này, có khắc phục được tình trạng này hay không? Tôi đọc không thấy điều nào khắc phục tình trạng này hết” - ông Tùng khẳng định.
Theo vị ĐBQH là Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, mọi công dân và mọi NLĐ đều bình đẳng trước pháp luật. “Bộ trưởng là Trưởng ban dự thảo Luật BHXH sửa đổi trình ra QH, Bộ trưởng có thấy rằng trong dự thảo trình ra có sự ưu tiên cho những NLĐ làm việc trong khu vực Nhà nước, mà xem nhẹ quyền lợi của những NLĐ làm việc trong khu vực ngoài nhà nước hay không? Nếu thấy thì Bộ trưởng có đồng tình với sự bất bình đẳng này hay không?” - ông Tùng đặt câu hỏi.
Vì sự “bất bình đẳng” đó, ĐB Đặng Ngọc Tùng đề nghị: “Tôi kiến nghị với Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, nhân đây chưa thông qua Luật BHXH sửa đổi vào ngày 20-11 sắp tới, khi mà dự thảo đang còn sự bất công này. Tôi đề nghị Chủ tịch chỉ đạo các cơ quan chức năng sửa lại theo hướng mọi NLĐ tham gia BHXH thì phải được hưởng quyền lợi như nhau, không phân biệt trong hay ngoài nhà nước”.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết Luật BHXH sửa đổi theo chương trình mà đã được QH thông qua thì sẽ quyết định thông qua vào kỳ họp này. Những kiến nghị của đại biểu, nếu thấy thích hợp, hợp lý và xác đáng, thì Ban soạn thảo, Ủy ban Thường Vụ QH và cơ quan thẩm tra, sẽ nghiên cứu tiếp thu để báo cáo với QH trong kỳ họp này.
Tuy nhiên Chủ tịch QH đồng tình với ý kiến của ĐB Đặng Ngọc Tùng, đó là vấn đề bình đẳng giữa những NLĐ trong tham gia BHXH. “Nếu như có chỗ nào chưa có như vậy thì xin mời đại biểu cùng với cơ quan thẩm tra làm việc để xem xét, xử lý việc này”.
QH nghỉ phiên làm việc buổi sáng. Đầu giờ chiều, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền tiếp tục trả lời chất vấn.
Bình luận (0)