Tiếp tục Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các bộ ngành, địa phương, sáng nay 29-12, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, đã phát biểu làm rõ thêm nội dung liên quan đến công tác Công an phục vụ phát triển, ổn định kinh tế xã hội.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Đã triệt phá nhiều băng nhóm nguy hiểm, núp bóng các công ty, DN để hoạt động chống phá,
Với công tác đảm bảo an ninh kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) phát triển, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đảm bảo an ninh, an toàn cho các công trình trọng điểm quốc gia, kịp thời đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn các hoạt động thông qua kinh tế để chuyển hoá chính trị; nắm tình hình, theo dõi thông tin, hỗ trợ và cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho các DN lựa chọn đối tác (đặc biệt đối tác nước ngoài), ngành hàng để đầu tư có hiệu quả. Lần đầu tiên, Bộ Công an đề xuất Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về an ninh kinh tế để chống chệch hướng những diễn biến trong kinh tế và sắp tới sẽ triển khai.
Báo cáo về tình hình chung, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết năm 2016, toàn lực lượng đã triệt phá 1.990 băng, ổ nhóm, tội phạm; trong đó có nhiều băng, ổ nhóm nguy hiểm, núp bóng các công ty, DN để hoạt động chống phá, ảnh hưởng xấu đến môi trường cạnh tranh, hoạt động bình thường của các DN.
“Sự xâm nhập, can thiệp của tội phạm hình sự, kinh tế thông qua các hoạt động kinh tế để thu nạp các đối tượng tiền án tiền sự, các băng, ổ nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, đâm thuê chém mướn, cưỡng đoạt tài sản, tín dụng đen, siết nợ, đòi nợ thuê để can thiệp vào các hoạt động đấu thầu, các hoạt động kinh tế… đã đe doạ đến an ninh, an toàn và lợi ích của DN. Bộ Công an đã tập trung đấu tranh để góp phần lành mạnh hoá thị trường kinh doanh. Một số mặt hàng khai thác cát, đá, sỏi, khai thác tài nguyên khoáng sản, mỏ; tham gia đấu thầu, san lấp mặt bằng… có các tổ chức tội phạm hình sự núp dưới doanh nghiệp để tạo sự không lành mạnh” – Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương
Đối với kiến nghị góp phần tăng cường quản lý và phát triển ổn định kinh tế-xã hội năm 2017, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng đó là tăng cường quản lý xã hội, tăng cường quản lý di dân, di cư. Theo Bộ trưởng, vấn đề di dân là vấn đề trên phạm vi quốc tế, nhiều quốc gia phải đối mặt và chúng ta có thể có ảnh hưởng. “Chúng tôi đã có phương án đối với vấn đề di dân di cư, các bất ổn của các nước xung quanh đối với nước ta, nhưng đó là phạm vi quốc tế. Trong phạm vi quốc gia chúng ta cũng nảy sinh các vấn đề di dân di cư mà nếu không làm tốt sẽ gây nên những dấu hiệu bất ổn trong điều hành, quản lý” – Bộ trưởng nói.
Dẫn ví dụ, Bộ trưởng cho biết có địa phương trước đây chỉ 1,1 triệu dân, bây giờ đã tăng lên 5,5 triệu người. Nếu trong điều hành kinh tế-xã hội những chỉ số vẫn như cũ thì sẽ ảnh hưởng đến định hướng phát triển chung và ổn định trong nhân dân. Nhiều địa phương dân lao động, di cư nơi khác đến còn đông hơn dân ở đó, gây khó khăn cho việc quản lý, nhiều địa bàn xã, huyện dân nhập cư nhiều hơn dân tại chỗ, tạo xung đột xã hội, gây mất ổn định xã hội.
“Cả những TP phát triển, có những khu công nghiệp tập trung, thu nhập cao hơn rất nhiều lần thì dân tập trung ở đấy để thụ hưởng những ưu đãi. Tạo ra những vấn đề phải tính đến, ví dụ phải chính thức thừa nhận việc di dân để tạo điều kiện ổn định cho những vùng này, những chỉ số kinh tế-xã hội cần được điều chỉnh, có điều chỉnh chính sách, số liệu, cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội. Khẩu hiệu chúng ta hiện nay là ổn định để phát triển, nhưng bây giờ đề xuất đổi lại phát triển để ổn định. Về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, chúng tôi đề nghị tăng yếu tố ổn định vào đây” – Bộ trưởng nêu ý kiến.
Bình luận (0)